Đơn giản bởi những chữ ký đến trong giờ phút cuối của thị trường chuyển nhượng thường bị nghi ngờ rất nhiều. Một câu hỏi thường được đặt ra trong hoàn cảnh này: Nếu muốn có cầu thủ này đến thế, sao đội bóng không mua anh ta sớm hơn?
Thực ra phần lớn những vụ như thế này xuất phát từ việc một đội bóng không có được cầu thủ mình mong muốn và họ phải vội vàng mua sắm người thay thế. Và đây là một trong 4 dạng chuyển nhượng chính mà ESPN tổng kết trong mùa Hè này.
1. Những vụ chuyển nhượng hàng đầu
Viễn cảnh hoàn hảo nhất cho các HLV hay đội bóng là có được cầu thủ mình mong muốn ngay từ đầu. Những vụ chuyển nhượng được hoàn tất sớm thường thuộc dạng này.
Các thương vụ của Man City với thủ thành Ederson và tiền vệ Bernardo Silva hay bản hợp đồng Mohamed Salah của Liverpool là các ví dụ.
Phần lớn các chữ ký của Everton trong mùa Hè này cũng vậy khi mà những Jordan Pickford, Michael Keane, Wayne Rooney, Sandro Ramirez và Gylfi Sigurdsson đều là sự lựa chọn đầu tiên của HLV Ronald Koeman.
Sigurdsson đến Everton từ Swansea khá muộn nhưng thực ra HLV Koeman đã theo đuổi tiền vệ này từ rất lâu rồi. HLV Jose Mourinho cũng có thể được coi là chuyên gia trong việc đưa về những mục tiêu hàng đầu mà mình nhắm đến, bởi phần lớn trong số họ được ông xác định từ rất sớm.
Romelu Lukaku (Hè này), Zlatan Ibrahimovic (mùa trước), hay Diego Costa và Cesc Fabregas (khi Mourinho còn dẫn dắt Chelsea) là những ví dụ tiêu biểu. Và đó là lý do tại sao những cầu thủ này hòa nhập rất nhanh vào đội bóng mới.
Nhưng ở đội bóng cũ của Mourinho là Chelsea, họ chỉ có một tân binh dường như là sự lựa chọn số một của HLV Antonio Conte ngay từ đầu là Tiemoue Bakayoko.
Diego Costa, Coutinho ở lại Chelsea, Liverpool: Ai là người chiến thắng? Không bất ngờ khi cả Diego Costa (ở lại Chelsea) và Coutinho (ở lại Liverpool) đều không thể ra đi trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè dù họ đã công khai đòi đi.
2. Sự lựa chọn số 2
Những vụ chuyển nhượng dạng này cũng được đánh giá cao và nó xảy ra khi một CLB để tuột mục tiêu số một của họ. Hậu vệ phải Kyle Walker có thể được xếp vào dạng này sau vụ chuyển nhượng từ Tottenham sang Man City.
Đội bóng của HLV Pep Guardiola chỉ thực sự tăng tốc mua Walker sau khi họ bất ngờ bị Dani Alves từ chối (sang PSG).
Alvaro Morata là một ví dụ tiêu biểu khác bởi ban đầu Romelu Lukaku mới là ưu tiên hàng đầu của Chelsea và sau khi bị M.U hớt tay trên, đội ĐKVĐ mới xúc tiến mua tiền đạo của Real Madrid.
Tuy nhiên, như chính Chelsea từng chứng tỏ trong quá khứ, một hợp đồng dạng này đôi khi cũng rất hiệu quả. Mùa Hè năm ngoái, Chelsea đã mua N’Golo Kante từ Leicester sau khi Radja Nainggolan quyết định ở lại AS Roma và họ đã không phải hối tiếc.
Chính Kante sau đó đã giành cả 2 giải thưởng cá nhân của PFA lẫn FWA và góp công lớn giúp Chelsea vô địch Premier League.
3. Phương án C, D hoặc E
Khi các phương án A và B không diễn ra như kế hoạch, đó là lúc các HLV phải hài lòng với những đáp án C,D hoặc E và các thương vụ này thường diễn ra vào tháng 8.
Đó là lúc các HLV phải tham khảo những lựa chọn cuối cùng trong danh sách khi mà những đáp án khác hoặc quá đắt đỏ hoặc họ sẽ tới đội bóng khác.
Những cầu thủ được Newcastle chiêu mộ trong mùa Hè này đều thuộc dạng như vậy, mà bằng chứng là HLV Rafa Benitez đã bày tỏ rõ sự thất vọng với quá trình chuyển nhượng của đội bóng.
Nhưng ngay cả những đội bóng lớn như Man City cũng gặp vấn đề tương tự khi mà họ đang muốn củng cố hàng thủ bằng Jonny Evans của West Brom, dù trước đó mục tiêu của họ là Leonardo Bonucci và Virgil van Dijk.
Với Chelsea, Antonio Rudiger cũng chỉ là sự lựa chọn thứ yếu sau khi họ thất bại với những mục tiêu hàng đầu. Tuy vậy, Chelsea cũng từng thành công với những thương vụ vào phút chót là David Luiz và Marcos Alonso.
4. Những vụ mua sắm vội vã
Những vụ mua sắm vào phút chót mùa trước là minh chứng tiêu biểu cho các thương vụ dạng này. Đó là các vụ Wilfried Bony tới Stoke, Georges-Kevin Nkoudou gia nhập Tottenham, Dieumerci Mbokani tới Hull, hay Alvaro Arbeloa gia nhập West Ham.
Năm 2015, Chelsea cũng từng thực hiện những thương vụ vội vã như vậy với Papy Djilobodji và Michael Hector.