Nếu như Chủ tịch Josep Bartomeu và Thư kí kĩ thuật Robert Fernandez mắc những sai lầm về chuyển nhượng như cựu Chủ tịch Josep Nunez trong quá khứ, thì họ sẽ trở thành những kẻ phản bội thật sự chứ không phải là Neymar.
Bài học từ Figo
Josep Nunez, người sẵn sàng bán tất cả những ngôi sao của đội bóng như Ronaldo "béo" hay Micheal Laudrup, và cả những biểu tượng mới của đội bóng như Luis Figo, đã khiến đội bóng xứ Catalunya bị tụt hậu khủng khiếp so với Real Madrid cũng như so với các đội bóng lớn ở châu Âu vào lúc đó, sẽ là tấm gương để Josep Bartomeu soi vào.
Hãy cùng nhìn lại chuyện gì đã xảy ra với Barcelona sau mùa Hè 2000. Luis Figo không phải là ngôi sao lớn nhất của đội bóng xứ Catalunya vào những năm 2000. Ở Camp Nou lúc đó, tiền vệ người Brazil Rivaldo mới là số 1 trên sân cỏ, cùng với vai trò thủ lĩnh của đội trưởng Pep Guardiola.
Nhưng ban lãnh đạo của Barcelona, sau khi mắc sai lầm trầm trọng để Luis Figo tới thủ đô Madrid, đã phạm phải những sai lầm còn lớn hơn trong quá trình "hồi phục chấn thương tinh thần": Đó là chính sách chuyển nhượng hỗn loạn, và không có kế hoạch cụ thể để hàn gắn lại đội hình Barcelona.
Josep Nunez lúc này đã bị hất cẳng khỏi Camp Nou, và người đảm nhận chức chủ tịch đội bóng là ông Joan Gaspart chẳng có vẻ gì là hiểu biết về bóng đá hay bất cứ điều gì liên quan đến sân cỏ. Chỉ trong một thời gian ngắn, như một sự chữa cháy, ông Gaspart đưa về hàng loạt những cái tên như Marc Overmars, Emanuel Petit, đều từ Arsenal, hay Alfonso Perez từ Real Betis.
Tiền đạo người Hà Lan Marc Overmars nổi lên sau EURO 2000, với tốc độ và những pha xuống cánh thần sầu, dường như chỉ càng khiến Barcelona mất định hướng hơn với một đội hình bị pha loãng bởi quá nhiều những cầu thủ không cùng ý tưởng chơi bóng. Một phần là những người Hà Lan đến theo Louis van Gaal, phần còn lại là những người trưởng thành từ La Masia như Pep Guardiola, Sergi Barjuán, Ivan de la Pena, Xavi, Gabri, Gerard Lopez hay Carles Puyol.
Sự xuất hiện của Emanuel Petit cũng vậy. Ánh hào quang của anh vốn đã tắt ngay sau khi cùng Pháp vô địch châu Âu vào mùa Hè 2000, và việc anh tới Barcelona chỉ khiến người ta hiểu rằng, Chủ tịch Joan Gaspart cần hư danh hơn là thực chất. Tiền vệ người Pháp ra đi sau đúng một mùa bóng mà hai HLV Serra Ferrer cùng Carles Rexach chỉ làm được việc duy nhất là giúp Barcelona giành vé tham dự Champions League ở vị trí thứ 4.
Tiếp sau đó là những bản hợp đồng kinh khủng với Quaresma, với Rochemback, với Geovanni, những người khiến Barcelona tốn không ít tiền bạc và mang lại rất nhiều thất vọng. Người ta không thể thay thế Figo bằng một Figo thứ hai (Simao Sabrosa) hay những người có kiểu chơi tương tự (Quaresma), đó là điều mà Chủ tịch Josep Bartomeu cần nhớ vào lúc này.
La Masia là chỗ dựa?
Neymar là cầu thủ không thể được thay thế bằng ai khác, giống như Luis Figo, những người mà sự có mặt của họ ở trên sân đã khiến cho Barcelona trở nên tốt đẹp hơn so với các đối thủ. Antoine Griezmann, Kylian Mbappe, Ousmane Dembele hay thậm chí cả Philippe Coutinho chưa chắc đã là câu trả lời đúng cho đội bóng xứ Catalunya.
Những cái tên kể trên như một món tiền "bảo hiểm" rằng Barcelona không bị mất giá sau sự chia tay của tiền đạo người Brazil, chứ không thể bảo đảm sẽ mang đến những giá trị chơi bóng như Neymar.
Vào lúc này, HLV Ernesto Valverde đã hiểu mình phải đối mặt với thách thức nào, hoặc đặt niềm tin vào những tài năng từ lò La Masia như Gerard Deulofeu, như Munir hay Rafinha. Hoặc đánh cược vào khả năng của Thư kí kĩ thuật Robert Fernandez và Chủ tịch Josep Bartomeu, những người thất bại trên thị trường chuyển nhượng từ đầu Hè.
Bài học của Luis Figo chỉ ra rằng, Barcelona không thể đánh mất bản sắc của mình thêm một lần nữa, không thể vội vã lục tung hồ sơ của những cái tên sáng giá và đưa về những người không phù hợp với giá trị của đội bóng, mà hãy trở về với La Masia, như một cách để cứu rỗi số phận của mình.