Ông Thắng cho biết: “Ở nước ngoài, việc di chuyển chừng 1 giờ đến sân tập là điều bình thường với điều kiện đường xá tốt. Còn nếu đội tuyển tập ở Bình Dương, cầu thủ đi - về tôi sợ mất nhiều thời gian, cả đi cả về mất khoảng 2 tiếng rưỡi (quãng đường từ TPHCM đến Bình Dương khoảng 30km), việc ngồi xe quá lâu có thể làm tăng sức ì của cầu thủ. Sân bãi tập luyện chính là vấn đề khiến tôi lo lắng nhất”.
“Các anh em trong BHL phải chia nhau đi tìm sân tập, xem chất lượng mặt sân như thế nào. Bởi nếu tập ở nơi không đảm bảo, cầu thủ rất dễ chấn thương” – ông Thắng nói thêm.
Ngoài ra, cũng theo HLV Nguyễn Hữu Thắng, một trong những lý do mà ông đưa đội tuyển U22 Việt Nam vào TPHCM sớm, là để làm quen với việc TPHCM thường có những cơn mưa bất chợt. Dự tính của vị HLV trưởng đội tuyển U22 Việt Nam cũng là muốn các cầu thủ tập làm quen dưới những cơn mưa bất chợt này.
Tuy nhiên, trở ngại khi đội tuyển vào thành phố đó là thiếu sân tập. Sân Thống Nhất đang bận tổ chức VCK giải U17 quốc gia. Ngay sau giải đấu này, sân cần phải tu bổ, bảo dưỡng mặt cỏ, cho vòng loại U23 châu Á, sẽ khởi tranh từ ngày 19/7.
Đấy chính là lý do mà BTC chỉ có thể bố trí cho đội tuyển U22 Việt Nam tập đúng 1 buổi làm quen sân Thống Nhất trước giải, vào ngày 17/7 tới đây. Không chỉ có đội tuyển U22 Việt Nam, các đội bóng khác cùng bảng gồm Macau (Trung Quốc), Đông Timor và Hàn Quốc đều như vậy. Trong khi đó, tập ở các sân khác thì HLV Nguyễn Hữu Thắng lại lo sân không đủ tiêu chuẩn.
Ngoài vấn đề về sân bãi, một vấn đề khác được HLV Nguyễn Hữu Thắng đề cập chính là áp lực dành cho các cầu thủ chủ chốt của đội như Xuân Trường, Công Phượng. Chính vị HLV trưởng đội tuyển U22 Việt Nam nhắc nhở các cầu thủ trên nên làm quen với những áp lực vừa nêu, vì đã là cầu thủ ngôi sao thì chuyện phải chịu áp lực là điều đương nhiên.