Đêm qua ở sân Saint Petersburg cũng có một người muốn cất lên những vần thơ ấy với cả thế giới, với cả đất nước Argentina rằng anh không cần phải thề thốt làm gì để chứng minh tình yêu của anh với đất nước, đó chính là Lionel Messi.
Messi luôn chịu nhiều thiệt thòi và bất công...
Hãy nhìn những bước chân của anh, hãy nhìn những khát khao của anh, người ta sẽ hiểu tiền vệ Argentina này ao ước đến như thế nào khi được một lần cùng Albiceleste bước lên đỉnh cao của danh vọng.
Xem thêm: Tin chuyển nhượng bóng đá quốc tế mới nhất
Đã có rất nhiều những lời chỉ trích dành cho Argentina khi đoàn quân của ông Sampaoli đã có 2 lượt trận đầu tiên rất thất vọng trước Iceland và Croatia ở World Cup 2018, và tất nhiên Messi chính là tâm điểm của những lời chỉ trích ấy.
Luôn là như vậy, và sẽ mãi mãi là như vậy với người dân Argentina. Với họ, Messi không bao giờ có thể được cưng chiều như Maradona, không bao giờ. Thậm chí, anh không được coi là người con ở dân tộc này.
Với người dân Argentina, họ coi Messi như là một kẻ phản bội tổ quốc, khi từ năm 13 tuổi anh đã sang chơi bóng ở Tây Ban Nha. Thật ra hồi bé tiền vệ nhỏ con này đã đầu quân cho Newell’s Old Boys, một đội bóng nằm ở thành phố quê anh, Rosario. Nhưng đến năm 11 tuổi, anh bị chuẩn đoán gặp vấn đề với hormone tăng trưởng.
River Plate quan tâm tới anh, nhưng không muốn bỏ tiền ra chữa trị cho anh, số tiền khoảng 900 đô la/tháng. Lúc đấy Messi lại chiếm được sự quan tâm của Carles Rexach, giám đốc thể thao của Barca lúc bấy giờ, và trong một buổi thử việc, ông này đã ký một bản hợp đồng với Messi ngay trên giấy ăn và anh bắt đầu đến với Camp Nou từ đấy.
Nhắc lại chuyện cũ rích ấy để chúng ta hiểu vì sao Messi chưa bao giờ được ca ngợi ở đất nước của mình, cho dù anh là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Người ta lôi anh ra để so sánh với Maradona chỉ với một mục đích cười hả hê trên nỗi đau khổ của anh, khi anh chưa bao giờ cùng ĐTQG vô địch những giải đấu lớn, chứ chưa nói gì đến World Cup.
Dù cho Messi có đoạt bao nhiêu danh hiệu với Barca ở La Liga hay Champions League, có đoạt bao nhiêu Quả Bóng Vàng đi chăng nữa, thì với người dân Argentina cũng là vứt, nếu như anh chưa một lần lên đỉnh ở World Cup như Maradona.
Điều đó đã ám ảnh Messi ghê gớm. Mỗi mùa Copa America hay World Cup, Messi đều thi đấu với tất cả những niềm khát khao, bằng tất cả con tim mình.
Mỗi khi gặp khó khăn, Argentina nhìn Messi như là một vị cứu tinh duy nhất, nhưng khi Argentina thất bại, mọi tội lỗi đều đổ lên đôi vai anh, và chỉ một mình anh phải chịu tất cả trách nhiệm. Họ coi anh như là một đứa con rơi theo đúng nghĩa của nó, không hơn, không kém...
Chẳng thế mà ngôi sao số 1 của Barca đã mệt mỏi và rơi vào trạng thái trầm cảm khi Argentina gục ngã trước Chile ở trận chung kết Copa America 2 năm về trước, và anh đã chính thức đưa ra lời chia tay với đội tuyển. Đến lúc đấy, cả đất nước Argentina mới thực sự giật mình hoảng hốt.
Họ nhận ra rằng họ đã quá bất công với anh, và đứng trước viễn cảnh Argentina hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng nếu không có anh trong đội hình thì người ta mới vội vàng lên tiếng xin anh đừng đi. Cả đất nước Argentina khẳng định anh là niềm tự hào số 1 với họ ở thời điểm hiện tại, và cầu chúa xin anh ở lại.
Không những cả đất nước Argentina, mà cả thế giới bàng hoàng khi nghe Messi nói lời chia tay đội tuyển, và tất nhiên thế giới không muốn mất đi một cầu thủ kiệt xuất như vậy khi anh chưa đến 30 tuổi nào lúc đó, và Chúa cũng muốn như vậy.
Messi đã rút lại lời chia tay với Argentina, và cùng Albiceleste đến Nga với niềm tin sắt đá sẽ tạo ra một tiếng vang lớn, ít nhất là như ở kỳ World cup 4 năm về trước. Nhưng Argentina lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng khi họ chỉ có được 1 điểm sau 2 lượt trận đầu tiên.
Mọi con mắt giận dữ lại đổ dồn lên Messi, như thể anh là tội đồ duy nhất. Nếu muốn vào vòng 16 đội, Argentina chỉ có một con đường là chiến thắng trước Nigeria đang rất mạnh mẽ và hy vọng Iceland không thể vượt qua được Croatia.
... Và khi những nỗi đau hóa thành sức mạnh
Trước trận đấu, người ta vẫn cười nhạo Messi, và coi chuyện anh chưa có bàn thắng nào trong khi Ronaldo, đối thủ của anh ở Liga (thật ra là ở trên mọi phương diện) đã có 4 bàn và nhiều khả năng sẽ cạnh tranh Vua Phá Lưới, là một thứ vui để tiêu khiển. Nhưng khi tiếng còi của ông Cakir cất lên, tất cả đều im lặng.
Xem thêm: chuyển nhượng bóng đá tây ban nha
Họ không thể đùa giỡn và chế giễu nhau về Messi nữa, khi chứng kiến những bước chạy của anh. Chưa cần xét đến Messi đã tỏa sáng như thế nào trong trận đấu hôm qua, chỉ cần nhìn cách anh chơi bóng, cách anh chạy theo bóng, truyền cảm hứng cho các đồng đội thông qua đôi chân của mình trong khoảnh khắc sinh tồn ấy với anh và Argentina, tất cả đều phải ngả mũ kính phục.
Messi luôn vĩ đại bởi những khát khao và niềm đam mê như thế. Chứng kiến cái cách anh đã vực Argentina đứng dậy trong đống tro tàn theo đúng nghĩa của nó, chứng kiến cái cách anh đã chiến đấu vì danh dự của đất nước, thì tất cả những ai đã chỉ trích, giễu cợt anh, mang anh ra làm trò đùa trước đó nợ anh một lời xin lỗi.
Có thể với nhiều người Argentina đã gặp may trước Nigeria khi trọng tài bỏ qua lỗi để bóng chạm tay của Marcos Rojo, dù cho ông đã tham khảo công nghệ VAR. Nhưng Rojo không hề cố ý trong tình huống ấy.
Thêm nữa những trận đấu như thế này, trong một thời điểm căng thẳng như vậy, thì xem ra nếu thổi Penalty là một điều không công bằng. Để hai đội đá tiếp, và tự quyết định số phận của mình là một quyết định hợp lý. Đấy là một quyết định rất... con người của trọng tài Cakir.
Công nghệ chỉ là để tham khảo, đôi khi có những tình huống cần đến quyết định của trái tim mà mọi máy móc không bao giờ có thể thay thế được. Như vậy bóng đá mới cần đến trọng tài chứ không phải VAR để điều khiển trận đấu. Đấy là một quyết định hay của ông Cakir (hay không nhất thiết phải chính xác).
Và đấy cũng là một chiến thắng xứng đáng của Argentina và của Messi. Messi đã tỏa sáng để đưa Albiceleste vào vòng trong không phải để chứng minh cho cả thế giới nhớ rằng anh đang là một trong hai cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, mà bởi vì những khát khao, và với anh, danh dự của Argentina không thể bị chà đạp.
Và xin được mượn một đoạn thơ khác trong bài “Bài thơ cuộc đời” của Olga Bergon để làm những lời kết cho bài viết này. “Và mọi tổn thương chúng mình xóa hết/Chỉ ở bên nhau sánh bước trọn đường/Chỉ cần được sóng đôi và chỉ khóc/Chỉ khóc thôi, đủ bù đắp tận cùng”...
Quang Minh