Nếu chỉ bàn đến thành tích, có thể nói ngay rằng các đội tuyển của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã thua thành tích có được của các đội tuyển dưới thời HLV Miura.
Đặt thành tích ấy trong bối cảnh bóng đá khu vực từng thời điểm, thì thất bại của U22 Việt Nam dưới trướng HLV Nguyễn Hữu Thắng càng bị bỏ xa so với thành công của HLV Miura lúc còn tại vị.
Ông Miura nhận các đội tuyển Việt Nam trong bối cảnh mà bóng đá Việt Nam khủng hoảng tài năng, tre đã già nhưng măng chưa mọc, nhận đội tuyển trong bối cảnh bóng đá Việt Nam vừa bị loại tại vòng bảng AFF Cup 2012, trắng tay tại 2 kỳ SEA Games liên tiếp các năm 2011 và 2013.
Ngược lại, HLV Nguyễn Hữu Thắng nhận đội tuyển khi đội tuyển đã có những thành công tương đối, từ nền tảng của HLV Miura, gồm thành tích vào bán kết AFF Cup 2014, HCĐ SEA Games năm 2015, cùng vé vào vòng knock-out Asiad năm 2014.
Ngoài ra, Hữu Thắng nhận đội tuyển trong bối cảnh nền tảng lực lượng đã bắt đầu được hình thành từ bàn tay xây dựng của HLV Miura, tham dự SEA Games 29 năm 2017 trong bối cảnh làng cầu Đông Nam Á đang khủng hoảng tài năng ở lứa tuổi 22 nói chung.
U22 Việt Nam vì thế được đánh giá là ứng cử viên vô địch hàng đầu trước giờ SEA Games 29 khai diễn, nhưng rốt cuộc lại là một trong những đội rời giải sớm nhất.
Sở dĩ người ta nhớ về HLV Miura bởi người ta có lý do để tin nếu đội tuyển còn trong tay vị HLV người Nhật, U22 Việt Nam chí ít là không gây thất vọng đến thế, chí ít là không thua sảng đến mức như chúng ta vừa thấy.
Dĩ nhiên, mỗi HLV có một quan điểm cầm quân khác nhau, nhưng HLV Miura phù hợp với bóng đá Việt Nam ở điểm ông luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu, trong tư thế của một đội bóng yếu, biết mình biết người khi lâm trận (vì kỳ thực ngay tại Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam có phải là nền bóng đá giàu thành tích trong nhóm 3 hạng đầu đâu!).
Nếu còn HLV Miura, có thể vị HLV người Nhật sẽ biết cách sử dụng Công Phượng, vì kỳ thực thời điểm mà Công Phượng chơi hay nhất trong khoảng 3-4 năm qua, lại là thời điểm mà HLV Miura nắm các đội tuyển.
Nếu còn HLV Miura, có lẽ ông cũng sẽ biết cách pha trộn giữa chất kỹ thuật của nhóm cầu thủ HA Gia Lai trên hàng tấn công, với sự chắc chắn nơi hàng phòng ngự, vốn là đặc trưng của các đội bóng trong tay ông.
Và nếu còn HLV Miura, có lẽ thể lực của U22 Việt Nam đã không kém đến thế, lối chơi không dễ bị bắt bài đến thế.
Cũng đừng quên rằng HLV Miura là người đã đặt Văn Toàn sang cánh phải hàng tiền vệ, thay vì để cầu thủ này đá trung phong như các HLV trước đó, tạo nên một trong những cầu thủ chạy cánh hay nhất bóng đá Việt Nam hiện nay mà chúng ta đang thấy.
Giờ thì Văn Toàn, Công Phượng và một số cầu thủ nổi trội khác xuất thân từ HA Gia Lai như Tuấn Anh, Xuân Trường đã trưởng thành hơn, nên không loại trừ khả năng họ sẽ hay hơn, chơi khôn ngoan hơn, hợp lý hơn nếu được dẫn dắt bởi một HLV có năng lực.
Nếu còn HLV Miura ở đây, chẳng thể nói trước rằng ông có giúp U22 Việt Nam giành HCV hay không? Nhưng có một điều có thể đoán được là có khi ông sẽ giúp các cầu thủ nọ phát huy tối đa khả năng, chứ không lâm vào cảnh như vừa rồi, rằng U22 Việt Nam không thua đối phương về lực lượng, nhưng lại thua về lối chơi, rồi nhận thất bại cay đắng nhất trong hơn 2 thập niên qua: Bị loại ngay sau vòng bảng với dàn cầu thủ được đánh giá tốt nhất giải.
Vậy thì phải hỏi tiếp: Ai là người đã gây sức ép quá mạnh để đẩy vị HLV người Nhật đến chỗ mất việc?