Ngoại hạng Anh: Nhân tố tái sinh bóng đá

Ngoại hạng Anh: Nhân tố tái sinh bóng đá

12-08-2017 21:00 | 0 bình luận | 262 xem
Bóng đá ngày nay luôn nhìn vào quá khứ với hoài niệm về thuở môn thể thao này còn là món ăn hiếm quý, thay vì ngồn ngộn đến bội thực như bây giờ.

Trước khi chạm trán ở Siêu Cup châu Âu, nơi Real Madrid đã dạy cho Man Utd một bài học bóng đá đúng nghĩa, họ có gặp nhau tầm chục ngày trước đó tại ICC Cup trên đất Mỹ.

Đó là trận đấu mà người dẫn hai đội ra sân không phải là một trọng tài, hay một VIP nào từ làng giải trí hoặc chính trị Mỹ, mà là mascot của hãng... McDonald's. Bóng đá thực sự đã bị thương mại hóa đến mức tàn nhẫn.

25 năm trước, áo đấu của các cầu thủ chưa tràn ngập những logo của các nhà tài trợ như bây giờ. Những bản hợp đồng được xem là "bom tấn" chỉ có giá vài triệu đôla và những chiếc chuyên cơ chưa đưa các cầu thủ đi đến những chốn xa xôi của thế giới để "lưu diễn".

Bóng đá hãy còn đẹp trinh nguyên, đường phố vẫn là lò đào tạo tốt nhất, và các cầu thủ vẫn có những nét riêng không thể trộn lẫn.

Những đổi thay hoàn toàn về diện mạo của bóng đá ấy xuất phát từ cách đây 25 năm, với sự ra đời của một khái niệm.

Sau này, người ta lấy dấu mốc ấy để giải thích cho việc bóng đá ngày tràng trở thành một ngành công nghiệp không khói triệu đô, giải thích cho sự sa sút thảm hại của đội tuyển Anh và góp phần làm hỗn loạn thị trường chuyển nhượng. Khái niệm ấy có tên là... Ngoại hạng Anh.

Ngoại hạng Anh mới chỉ mới ra đời cách đây 25 năm - tuổi đời quá non trẻ khi đặt cạnh những Bundesliga (từ 1963), La Liga (1929) hay Serie A (1898).

Nhưng chỉ sau một phần tư thế kỷ, nó đã trở thành giải đấu phổ biến nhất thế giới, vượt qua thế thống trị ngỡ như bất khả xâm phạm của Serie A.

Bản quyền truyền hình của Ngoại hạng Anh đã tăng vài... nghìn lần sau ngần ấy năm, trở thành giải thể thao phổ biến nhất toàn cầu, tạo ra vô số việc làm và sản phẩm ăn theo.

Riêng ở Việt Nam, bản quyền Ngoại hạng Anh còn trở thành một cuộc chiến, với những diễn biến phức tạp khó lường.

Người xem có thể chê bai các trận đấu ở Ngoai hạng Anh kém về chất lượng chuyên môn so với các trận ở giải Italy hay Tây Ban Nha, nhưng không ai phủ nhận tính giải trí của nó.

Ngoại hạng Anh, ngay từ khởi thủy, đã xác định đá vì khán giả và sống vì khán giả. Và sau 25 năm, giải đấu này đã trở thành một dạng NBA của bóng đá, thu hút các ngôi sao hàng đầu, các HLV hàng đầu và cả những nhãn hàng hàng đầu.

 

Nhưng cũng vào năm 1992 ấy, bên cạnh sự ra đời của Ngoại hạng Anh, bóng đá còn cấp giấy khai sinh cho một điều đặc biệt khác: điều luật cấm thủ môn dùng tay khi nhận đường chuyền về của đồng đội.

Hội đồng Điều hành Liên đoàn Bóng đá Thế giới (IFAB) chính thức bổ sung điều này vào luật. Và đấy có lẽ là một trong những điều luật mang tính cách mạng, cùng với luật về việt vị.

Nếu không có những ngày này của 25 năm trước, có lẽ nước Đức đã không có Manuel Neuer, và chiến thuật cũng đã không có sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Điều luật ấy là hệ quả của một World Cup 1990 khô hạn bàn thắng. Giải đấu trên đất Italy được yêu mến nhất có lẽ bởi... bài hát.

Lời ca tuyệt vời và tiếng hát khắc khoải của đôi song ca Italy Edoardo Bennato và Gianna Nannini đã biến "Un'estate italiana" thành một trong những bài hát bóng đá được yêu mến nhất trong lịch sử.

Nhưng chất lượng của giải đấu năm ấy đã tỷ lệ nghịch với sự yêu thích dành cho bài hát. Argentina đã tiến vào chung kết với duy nhất một bài: phòng ngự thật chặt, chuyền về cho thủ môn câu giờ và chờ điều kỳ diệu từ Diego Maradona.

Nhìn thấy điều ấy có thể giết chết tính giải trí và cống hiến của một trận đấu, IFAB đã suy nghĩ ra một giải pháp thú vị: cấm thủ môn dùng tay khi nhận đường chuyền về bằng chân của đồng đội.

Điều này sau đó đã xuất hiện ở Luật 12, mục 2 và được đưa vào áp dụng sau Euro 1992, giải đấu chứng kiến hiện tượng Đan Mạch lên ngôi thần kỳ.

Chung kết năm ấy, Đan Mạch ngổ ngáo đã hạ bệ gã khổng lồ Đức. Trong những giây cuối cùng, Stefan Reuter chuyền quả bóng trở lại cho Bodo Illgner và thủ môn này đã nhặt bóng lên.

Đấy là lần cuối, một thủ môn được phép dùng tay để nhận đường trả bóng về của đồng đội ở một giải đấu chính thức.

Và từ đó, bóng đá thay đổi. Thủ môn từ chỗ chỉ dùng tay nay buộc phải biết dùng chân, thậm chí dùng ngực và đầu để khống chế đường chuyền về của đồng đội. Mọi chuyện khởi đi không hề dễ dàng chút nào.

Các thủ môn thừa nhận họ luôn cảm thấy tim đập chân run khi thấy quả bóng bay về phía khung thành mà mình lại không thể dùng tay.

 

Khi đá giải giao hữu đầu mùa Makita, hậu vệ Brian Laws của Nottingham Forest thậm chí đã thử lách luật. Anh khum người xuống và lấy đầu chuyền về cho Mark Crossley.

Chỉ vài ngày sau, FIFA chấn chỉnh ngay hành động ăn gian của Brian Laws (tên anh thật tình cờ cũng có nghĩa là... luật). Họ nói hành động cố tình lách luật ấy sẽ bị quy cho hành vi "phi thể thao". Và trọng tài có thể tùy nghi thổi phạt.

Olympic 1992 chứng kiến luật chính thức đưa vào hoạt động. Chỉ sau một giờ, nó đã tìm thấy nạn nhân đầu tiên: thủ thành Francesco Antonioli. Anh quýnh quá... chụp đại, và khiến đội nhà bị thổi một quả phạt gián tiếp.

Rồi thời gian trôi đi, thủ môn dùng chân từ một khái niệm xa lạ nay đã trở thành mốt. Mùa bóng trước, Man City bị chế nhạo vì đã chiêu mộ một thủ môn rất giỏi dùng chân nhưng lại kém... dùng tay (Claudio Bravo).

Rồi thủ môn dần trở thành một phần quan trọng trong lối chơi, chứ không còn bị bó hẹp trong nhiệm vụ cản phá và đứng trong vòng cấm nữa.

World Cup 2014 mà Đức lên ngôi vô địch, thủ môn Manuel Neuer của họ đã lao ra khỏi vòng cấm đánh đầu, chuyền bóng, xoạc bóng và cả... ném biên.

Thủ môn dần trở thành người khởi phát đầu tiên của một đợt tấn công, cho các hậu vệ thêm một phương án chuyền bòng và góp phần đẩy chiến thuật lên một nấc thang mới.

Và 25 năm qua, Ngoại hạng Anh cũng tiến lên và tiến lên, những đường chuyền về ít dần, những pha tấn công thì dồn dập diễn ra.

Có thể nói sự ra đời của luật này là một sự cộng hưởng, để giúp giải đấu cao nhất bóng đá Anh phát huy hết sở trường của nó.

 

Qua 25 năm, Ngoại hạng Anh trở thành phim bom tấn, quy tụ hàng loạt ngôi sao, chi phí khủng khiếp và biến các giải khác bỗng trở thành... phim nghệ thuật khó xem.

Có thể nói, một phần tư thế kỷ trước, Ngoại hạng Anh và điều luật tuyệt vời kia đã góp phần tái định nghĩa bóng đá!

Trần Sơn
Tin tức mới nhất