Đấy là những vấn đề được đúc kết qua nhiều năm theo dõi bóng đá của ông Xương (HLV từng vô địch quốc gia với đội Đồng Tháp của thế hệ Công Minh, Quốc Cường, Tấn Thành năm 1996), chứ không riêng gì với đội tuyển U22 hay đội tuyển quốc gia của HLV Nguyễn Hữu Thắng trong 2 năm trở lại đây.
Hiệu quả thấp trong khâu kết thúc là điều đã được nhìn thấy ở các trận quốc tế gần nhất của đội tuyển U22 Việt Nam, tại vòng loại U23 châu Á và trước đội tuyển Các ngôi sao K-League.
Thể lực lại là yếu tố xuất phát tố chất của người Việt Nam nói chung, hiện có một số điểm kém so với chính các nền bóng đá trong khu vực gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Singapore.
Yếu tố thể lực có thể được bù đắp qua tập luyện và qua dinh dưỡng. Tuy nhiên, không phải CLB nào ở giải trong nước cũng có chế độ dinh dưỡng tốt, cũng có chuyên gia chuyên biệt về mặt thể lực, để nâng nền tảng cho các cầu thủ.
Thậm chí, ngay khi lên đội tuyển, không phải ở thời kỳ nào các đội tuyển Việt Nam cũng được tập tốt về khâu thể lực.
Bằng chứng là trong quá khứ, chỉ có 2 thời kỳ đội tuyển Việt Nam không kém các đội bóng khác trong khu vực về mặt thể lực là thời HLV Calisto và thời HLV Miura.
Dù vậy, chính các HLV Calisto và HLV Miura từng chịu không ít chỉ trích trong quá trình đội tuyển của các ông này chuẩn bị cho các giải đấu lớn, nhất là khi xuất hiện tình trạng cầu thủ bị chấn thương, không theo kịp các bài tập của những HLV vừa nêu.
Tức là, giới bóng đá trong nước dù thừa nhận nền tảng thể lực yếu của các cầu thủ Việt Nam so với mặt bằng quốc tế, nhưng lại rất chậm trong việc thay đổi để theo kịp mặt bằng vừa nêu.
Thành ra, nền tảng thể lực của U22 Việt Nam ở mức nào tại SEA Games 29 tới đây là điều vẫn còn khiến không ít người băn khoăn?
Riêng cựu HLV Đoàn Minh Xương chỉ ra rằng thời điểm từ sau phút 70 trở đi là thường điểm các đội tuyển Việt Nam thường hay để thua, do thể lực bắt đầu sa sút.
Vấn đề thứ ba của các đội tuyển Việt Nam trong những năm trở lại đây là bản lĩnh và tâm lý thi đấu không tốt. Đây là vấn đề xuất phát từ thực tế V-League.
Giải quốc nội không giàu tính cạnh tranh, không có nhiều trận đấu theo kiểu một mất một còn khiến cho các cầu thủ nội dần không quen với cảm giác phải chiến đấu trong thế một mất một còn.
Đấy chính là lý do mà theo HLV Đoàn Minh Xương, khi mà các đội tuyển Việt Nam nắm trong tay nhiều lợi thế, khi chúng ta ngỡ như thắng chắc thì chúng ta lại thua đau.
Ví dụ như trận thua Malaysia ở chung kết SEA Games 2009, khi ai cũng ngỡ rằng ngôi vô địch nằm trong tay U23 Việt Nam khi đó.
Đó là trận bán kết lượt về AFF Cup 2014, sau khi đội tuyển Việt Nam đã vượt qua Malaysia trên sân đối phương bằng chiến thắng 2-1, nhưng lại thua ngược 1-4 ở sân nhà.
Những nhược điểm trên là những nhược điểm mà đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng phải giải quyết, nếu như muốn vào sâu, thậm chí đi đến ngôi vị cao nhất của làng cầu Đông Nam Á. Bởi, không có đội bóng nào có thể đoạt ngôi vô địch nếu thi đấu thiếu hiệu quả hoặc thiếu bản lĩnh.