Có một thống kê đáng chú ý: 9 trong 21 cầu thủ gần nhất ra sân lần đầu ở đội tuyển Anh đã trưởng thành ở học viện của Chelsea. Đó là lời tuyên bố trên trang Twitter của Jody Morris, người đang đóng vai trò trợ lý của HLV Lampard ở The Blues.
Công lao của trợ lý Jody Morris
Gương mặt mới nhất gia nhập danh sách này là trung vệ Fikayo Tomori, người được HLV Southgate trao cơ hội trong chiến thắng 4-0 của đội tuyển Anh trước Kosovo hôm Chủ Nhật vừa rồi. Trước Tomori, Mason Mount, Tammy Abraham, Callum Hudson-Odoi và kể cả Declan Rice, một cầu thủ đang chơi cho West Ham nhưng lại trưởng thành từ Chelsea, đều được HLV Southgate trọng dụng trong suốt chiến dịch vòng loại EURO 2020 vừa qua. Xa hơn một chút, Jack Cork, Ruben Loftus-Cheek, Dominic Solanke và Nathaniel Chalobah đều được tận hưởng cảm giác lần đầu khoác áo Tam sư sau khi trải qua những ngày tháng đầu tiên trong sự nghiệp ở sân Stamford Bridge.
Không phải ngẫu nhiên mà những cầu thủ trưởng thành từ các tuyến đào tạo của Chelsea lại ngày càng có giá ở phạm vi đội tuyển, từ các lứa U cho đến đội tuyển quốc gia. Trước khi làm trợ lý cho Lampard ở Derby County và hiện thời là Chelsea, Morris từng trở lại Stamford Bridge vào mùa 2013-14 để dẫn dắt đội U21. Đồng thời ông còn có thời gian làm việc ở đội U18 Chelsea. Trong khoảng thời gian từ 2013 đến tháng 5/2018, người đàn ông 40 tuổi này đã giúp Chelsea đoạt chức vô địch FA Cup dành cho các đội trẻ vào năm 2018. Dấu ấn lớn nhất của ông là cho ra lò nhiều gương mặt đủ tiêu chuẩn khoác áo đội tuyển Anh, bất luận họ có tiếp tục sự nghiệp ở đội một Chelsea hay chuyển đến những đội bóng khác.
Nếu may mắn, những gương mặt trẻ Chelsea có đủ thời gian và kiên nhẫn chờ đến thời Lampard để tỏa sáng, như trường hợp của Mount, Abraham, Tomori hay Hudson-Odoi. Ngược lại, không hiếm gương mặt “made in Chelsea” phải tìm cơ hội phát triển sự nghiệp ở những đội bóng có trình độ thấp hơn, nhưng đảm bảo khả năng ra sân đều đặn. Jack Cork, tuyển thủ đang thuộc biên chế Burnley, đã gia nhập lò đào tạo của Chelsea khi mới 9 tuổi. Anh được đội bóng đem đi mượn ở nhiều CLB khác nhau, trong đó có Bournemouth, trước khi chính thức bán cho Southampton vào năm 2011. Tương tự, Chalobah đến Stamford Bridge khi mới 10 tuổi, nhưng chỉ ra sân đúng 10 lần ở đội một suốt 7 năm, rồi chuyển hẳn đến Watford vào năm 2017. Hay như Dominic Solanke, tiền đạo trẻ từng rời Chelsea đến Liverpool, và giờ đang là người của Bournemouth.
Sẽ còn những gương mặt nào nữa?
Cuộc cách mạng của Lampard chắc chắn không có dấu hiệu dừng lại, bởi Chelsea vẫn còn rất dồi dào cầu thủ trẻ chưa được khai phá tiềm năng. Đó sẽ là tin vui với đội tuyển Anh của HLV Southgate, bất chấp thực tế ông cũng đang đau đầu vì quá nhiều lựa chọn cho các vị trí trong đội hình.
Chelsea còn những ai chưa được trao cơ hội ở Tam sư? Đó là Reece James, người đang trưởng thành trông thấy dưới thời Lampard. Không phải ngẫu nhiên mà anh chiếm lấy vị trí đá chính của thủ quân Azpilcueta ở trận gặp Crystal Palace vừa qua. Chàng trai sinh năm 1999 này mới có lần đá chính đầu tiên ở đội U21 Anh trong chiến thắng 3-0 trước U21 Albania. Vẫn còn một chặng đường dài để James phấn đấu, và đừng ngạc nhiên nếu anh sẽ là cái tên tiếp theo nối bước Mount, Abraham hay Tomori được HLV Southgate trao cơ hội lần đầu ra sân ở đội tuyển Anh. Xa hơn nữa, những Billy Gilmour hay Marc Guehi cũng sẽ có cơ hội, nhưng những gì họ cần làm trước mắt là tích lũy thêm số phút ra sân tại Stamford Bridge.
Trong khi các đội bóng lớn khác như Man City hay Liverpool chỉ có thể đóng góp một vài gương mặt cho đội tuyển Anh, Chelsea hoàn toàn có thể trở thành lò luyện lý tưởng cho bất cứ cầu thủ nào muốn hiện thực hóa ước mơ khoác áo Tam sư.