Giờ thì chiến dịch SEA Games 29 đã thất bại và thấy rõ là mô hình tập trung đội tuyển theo kiểu “2 trong 1” là không phù hợp.
Điều không phù hợp thứ nhất là năng lực của các cầu thủ U22 không đủ sức gánh vác trách nhiệm ở đội tuyển quốc gia. Sự không phù hợp thứ 2 là ở chỗ tâm lý của các cầu thủ U22 Việt Nam sau thất bại tại SEA Games bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của đội tuyển quốc gia.
Thấy rõ là thành phần dự vòng loại Asian Cup 2019 của đội tuyển quốc gia trước và sau SEA Games 29 khác nhau rất xa. Trước SEA Games 29, đội tuyển hầu như chỉ chăm chăm vào một nhóm cầu thủ từ 22 tuổi trở xuống, bất chấp năng lực và bất chấp phong độ, làm gì có chỗ cho những Ngân Văn Đại, Anh Đức, Lê Văn Thắng hay Hữu Dũng lên tuyển.
Cựu HLV Đoàn Minh Xương cho rằng đây là cách làm vá víu, bất cập. Ngoài ra, thấy rõ là cách tập trung đội tuyển theo kiểu “2 trong 1” như thế không kích thích các các gương mặt ngoài độ tuổi 22 phát triển năng lực, vì đội tuyển quốc gia khi đó gần như bị “đóng khung” đội hình quá sớm.
Cách làm vừa nêu cũng phản ánh việc chạy theo thành tích trước mắt của VFF, nên khó trách dư luận phản ứng mạnh lúc đội tuyển U22 Việt Nam thiếu thành tích tại SEA Games 29, vì chính VFF đã hướng cách tập trung của đội tuyển theo hướng tấn công vào đấu trường SEA Games vừa qua ở Malaysia.
Còn nhìn rộng ra theo thông lệ quốc tế, cũng không có nền bóng đá tiến bộ nào trên thế giới có cách tập trung tương tự như cách tập trung của đội tuyển Việt Nam trong thời gian vừa rồi.
Điển hình là Thái Lan rất rạch ròi trong việc phân biệt đội tuyển U22 và đội tuyển quốc gia. Từng có lúc đội tuyển U22 Thái Lan và đội tuyển Thái Lan tập trung gần như trùng thời điểm, đội tuyển quốc gia dự King’s Cup ở sân Rajamangala ở Bangkok, còn đội tuyển U22 Thái Lan dự vòng loại U23 châu Á tại sân Supachalasai cũng ở Bangkok trong tháng 7 vừa rồi, với 2 thành phần riêng và 2 ê-kíp HLV riêng biệt.
Rồi những cầu thủ Thái Lan dù trong độ tuổi 22 nếu đã lên đến đội tuyển quốc gia, cũng không quay về đá cho đội tuyển U22 tại SEA Games nữa, mà tập trung thực hiện các nhiệm vụ khác, quan trọng hơn, chứ không quay lại các đội bóng trẻ để chạy theo thành tích.
Việc Anh Đức trở lại đội tuyển quốc gia ở tuổi xấp xỉ 33, với tư cách là chân sút nội hàng đầu của các giải trong nước trong vài năm qua, cho thấy cầu thủ của B.Bình Dương không phải không đủ năng lực cống hiến cho đội tuyển quốc gia, mà việc anh không lên đội tuyển trong thời gian trước SEA Games một phần xuất phát từ cách làm bất cập nêu trên của đội tuyển, khiến cho các HLV nắm đội tuyển không đánh giá đúng năng lực của hầu hết các cầu thủ trong nước.
Cũng thành ra mới nói bóng đá Việt Nam và VFF thời gian vừa rồi thiếu hẳn định hướng và thiếu người làm định hướng tốt cho bóng đá nội, cho các đội tuyển. Cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam chỉ mới giải quyết các vấn đề theo kiểu sự vụ, tập trung vào một số chỉ tiêu ngắn hạn hòng tìm kiếm thành tích nhất thời, chứ thiếu định hướng mang tính xuyên suốt, lâu dài!