U22 Việt Nam, những trang mạng xã hội và con dao hai lưỡi

U22 Việt Nam, những trang mạng xã hội và con dao hai lưỡi

09-08-2017 22:30 | 0 bình luận | 221 xem
U22 Thái Lan, đối thủ lớn nhất của U22 Việt Nam tại bảng B môn bóng đá nam SEA Games 29 đồng thời cũng là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch đã cấm tiệt các cầu thủ sử dụng mạng xã hội sau khi đội tập trung trở lại từ ngày 7/8 tại Bangkok.

Theo lý giải của nữ Trưởng đoàn U22 Thái Lan Watanya Wongopasi, đội bóng chỉ có 5 ngày chuẩn bị nên các cầu thủ được yêu cầu tập trung tối đa vào tập luyện và nghỉ ngơi, không được sử dụng mạng xã hội dễ gây xao nhãng.

Quan điểm của bà Trưởng đoàn Watanya Wongopasi được HLV trưởng Worrawoot Srimakha đồng tình và tất nhiên, việc thiết quân luật đã được đặt ra tại đại bản doanh của U22 Thái Lan.  

Thái Lan đang là đương kim vô địch SEA Games, mục tiêu của đội bóng trẻ xứ chùa Vàng trên đất Malaysia tháng 8 này không gì khác là bảo vệ tấm HCV. Đã không dưới 1 lần, cả Trưởng đoàn lẫn HLV trưởng của đội tuyển U22 Thái Lan thể hiện sự tự tin của mình trong việc hoàn thành mục tiêu này.

Thậm chí, để phản đối nguồn thông tin không chính thức từ báo chí Việt Nam về phát biểu “ngại” U22 Việt Nam, Trưởng đoàn Watanya Wongopasi ngay lập tức đăng đàn khẳng định U22 Thái Lan không chịu bất kỳ áp lực nào trên con đường chinh phục ngôi vô địch.

Đối thủ ở tầm châu Á U22 Thái Lan còn không sợ, huống hồ là những đội bóng cùng khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Malaysia hay Myanmar, Singapore.

Không cần tập trung dài hạn, U22 Thái Lan giống như đội tuyển quốc gia nước này trước mỗi giải đấu lớn quen với việc tập trung ngắn hạn, từ 7 đến 10 ngày trước khi vào giải đấu chính thức.

Không dài nhưng khi cần tập trung tối đa, người Thái vẫn có cách làm riêng và cho đến thời điểm này, họ vẫn đi đúng trên con đường của mình và chứng tỏ vị trí số 1 tại khu vực Đông Nam Á.

Với bóng đá Việt Nam, chuyện các cầu thủ, HLV sử dụng facebook hay những mạng xã hội phổ biến như instgram, twitter.. đã trở nên quen thuộc, rất đỗi bình thường.

Nhưng bên cạnh khía cạnh tích cực, giúp các cầu thủ tăng cường mối quan hệ, giao lưu, kết nối với người thân, bạn bè, nhất là khi phải tập huấn xa nhà mạng xã hội cũng mang đến những mặt trái, áp lực lớn với chính bản thân mỗi cầu thủ.

Chỉ sau một trận đấu thành công, góp công mang về trận hòa 0-0 cho đội tuyển Việt Nam trước Jordan tại vòng loại ASIAN Cup hồi tháng 6, thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm đã chuyển từ trạng thái bất ngờ sang “choáng” khi hình ảnh mình xuất hiện tràn ngập trên mặt báo và đương nhiên là cả facebook.

Khi đó, giải pháp duy nhất để thủ môn này để duy trì sự tập trung, giữ sự thăng bằng của mình trước vô số những lời khen có cánh mà tập trung vào nhiệm vụ chính là ngưng sử dụng facebook một thời gian.

Hay như đội U20 Việt Nam khi tham dự World Cup U20 2017 hồi tháng 5, HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ cho các học trò sử dụng điện thoại trở lại sau trận hòa Newzealand 0-0, nhưng cũng chỉ là để cập nhât kết quả các bảng đấu khác và liên lạc với người thân.

Lúc này, U22 Việt Nam cũng ở giai đoạn tập luyện cao điểm trước thềm SEA Games 29, sau trận giao hữu với Busan FC thì ngày mai 10/8, thầy trò HLV Hữu Thắng từ Hàn Quốc bay thẳng sang Malaysia.

Phạm Thể
Tin tức mới nhất