“MU thắng 6-0 để giải trí ư? Tôi không nghĩ như vậy” - Mourinho tuyên bố trước thềm trận chung kết FA Cup với Chelsea. Trong phát biểu ấy, Mourinho muốn bảo vệ lối chơi phòng ngự của mình khi cho rằng: “Tính giải trí chỉ có thể hiện hữu nếu như người ta không biết trước kết quả. Trận đấu căng thẳng tới những phút cuối cùng”.
Thế nhưng, trong đó, người ta thấy cả sự bảo thủ của Mourinho. Kể từ khi thành công với Porto ở mùa 2002/03 (vô địch Europa League) tới nay, HLV tự xưng là “Người đặc biệt” ấy vẫn ôm khư khư triết lý của mình, như cái cách ông giữ trợ lý tin cẩn Rui Faria tới 17 năm.
Bóng đá cũng như cuộc sống, đó luôn là dòng chảy không ngừng. Chẳng ai nghi ngờ tài năng của Mourinho nhưng vấn đề ở chỗ, cái tài ấy chỉ có thể phát huy trong sự vận động. Có nghĩa rằng, để tồn tại qua ở thế giới bóng đá qua hàng thập kỷ, HLV luôn phải biết nắm bắt những xu hướng mới.
Wenger từng là người khai sáng ở Premier League nhưng chỉ 20 năm sau, sự khai sáng ấy trở thành lạc hậu. Sở dĩ Sir Alex Ferguson có thể tồn tại và thành công ở MU trong gần 3 thập kỷ bởi ông luôn… vận động.
Ông đã thay không ít trợ lý HLV theo từng thời kỳ để tiếp nhận những tư duy mới và cá nhân ông cũng không ngừng học hỏi để tìm ra phương án tốt nhất tùy theo từng thời kỳ. Từng có giai đoạn, MU chơi ban bật đẹp tới mê hồn nhưng sau này, họ đã bắt đầu thiên về thực dụng để thành công.
Mourinho dường như đắm chìm trong sự thành công (luôn vỗ ngực khoe các danh hiệu) mà quên mất vấn đề thay đổi. Ông vẫn bám víu lấy lối chơi phòng ngự từng làm nên tên tuổi của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông cũng sở hữu những nhân tố phù hợp với lối chơi ấy. Khi ấy, “Người đặc biệt” gần như không có phương án khác, phù hợp hơn với tình hình của CLB.
Ở trận chung kết FA Cup tại Wembley, người ta thấy cặp trung vệ Smalling, Phil Jones chơi ngờ nghệch và lạc lõng tới kỳ lạ. Chelsea chỉ cần đúng Eden Hazard để xuyên thủng khối phòng ngự của Mourinho.
Trong khi đó, Mourinho lại quá phụ thuộc vào cầu thủ có thể hình cao to như Lukaku trong vai trò tiền đạo cắm. Khi tiền đạo người Bỉ không thể ra sân, hàng công của MU bỗng trở nên tầm thường và dễ đoán hơn bao giờ hết. MU tấn công trong sự bế tắc trước Chelsea, còn Mourinho chẳng còn phương án nào để thay đổi tình hình.
Jamie Redknapp từng nói: “Các cầu thủ sáng tạo sợ phải làm việc với HLV Mourinho” bởi họ gần như không có đất diễn. Hay nói cách khác, nhiều năm qua, tư duy bóng đá của Mourinho vốn không có chỗ cho “số 10 cổ điển”. Sneijder gần như là trường hợp thành công hiếm hoi nhưng khi ấy, Inter sở hữu hàng thủ và tiền vệ quá mạnh. Giờ đây, MU chẳng thể đạt tới sự hoàn hảo như vậy.
Khi thế giới bóng đá đã sang trang mới, khi lối chơi pressing/gegenpressing đang lên ngôi, khi những HLV như Pep Guardiola và Jurgen Klopp đang “mất ăn mất ngủ” tìm mọi cách để đoạt lại trái bóng nhanh nhất… Mourinho lại đang lâm vào bi kịch của sự lạc hậu.
Và khi bất cứ ai lên tiếng chỉ trích lối chơi ấy, Mourinho lại phản pháo để bảo vệ triết lý cổ hủ của mình, với những thành công trong quá khứ. Để rồi, ông đã và đang biến MU trở thành CLB tẻ nhạt nhất thời hậu Sir Alex Ferguson (một nửa số trận hòa 0-0 thời gian này xuất hiện dưới thời Mourinho).
Đương nhiên, BLĐ MU vẫn ủng hộ Mourinho với bất kỳ giá nào, bất kỳ lối chơi nào. Nhưng sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn. Nếu tiếp tục không thành công ở mùa giải tới, ông có thể sẽ phải ra đường.