Ngược lại là đằng khác, ở lượt đi, Sài Gòn FC từng thua cả 2 trận trước 2 đối thủ trực tiếp của họ trong cuộc đua giành quyền trụ hạng. Đó là trận thua 1-2 trước CLB TPHCM trên sân Thống Nhất ở vòng 3 Nuti Cafe V-League 2018, và thất bại 0-1 trước Nam Định trên sân Thiên Trường ở vòng 13.
Đua bằng thực lực, CLB TPHCM và Nam Định không ngán đội bóng của bầu Hiển. Nhưng từ chỗ là đội bóng chịu ảnh hưởng của bầu Hiển, nên Sài Gòn FC cũng có nhiều lợi thế hơn 2 đối thủ trực tiếp của họ trong cuộc chiến giành quyền trụ hạng.
Trong tổng số 13 điểm mà Sài Gòn FC thu được qua 15 vòng đấu đầu tiên của giải, có đến 5 điểm (tức hơn 1/3) họ thu về từ các trận đấu với những đội bóng cùng chịu ảnh hưởng của bầu Hiển: Đó là trận hoà Quảng Nam 1-1 trên sân đối phương ở vòng 1, trận hoà 1-1 trước CLB Hà Nội ở vòng 6 trên sân Hàng Đẫy, cùng trận thắng 5-2 lại trước CLB Hà Nội trên sân Thống Nhất ở vòng 14.
Ở góc độ ngược lại, trong suốt 15 vòng đấu tính từ đầu giải, CLB Hà Nội đạt tổng cộng 38/45 điểm tối đa có thể đạt được.
Tức là đội bóng thủ đô chỉ để… “rơi rớt” 7 điểm trong tổng số điểm tối đa mà một đội bóng có thể vươn tới trong suốt 15 vòng đấu đã qua. Thật trùng hợp là 5/7 điểm mà CLB Hà Nội để rơi rớt kể trên là rơi rớt trước Sài Gòn FC – một đội bóng chịu chung ảnh hưởng của bầu Hiển giống CLB Hà Nội, và là một trong những đội bóng yếu nhất V-League thời điểm hiện tại.
Lần đầu là ở vòng 6 V-League 2018 như vừa nêu, CLB Hà Nội hoà 1-1 với Sài Gòn FC trên sân Hàng Đẫy, tức là… rớt 2 điểm sau trận này. Lần thứ nhì là trận thua 2-5 trước Sài Gòn FC ở sân Thống Nhất tại vòng 14, để “rớt” thêm 3 điểm nữa.
Hôm qua, CĐV bóng đá Nam Định đặt dấu hỏi về thất bại 2-5 của CLB Hà Nội trước Sài Gòn FC cách nay khoảng 1 tuần. Trước nữa, một lãnh đạo đội bóng ở V-League đã than thở với người viết rằng ông không hình dung nổi cách thua của đội bóng thủ đô trong trận đấu đấy.
Tức là, dù chẳng có bằng chứng cụ thể rằng có hay không có bóng dáng ân tình trong các trận giữa những đội bóng cùng chịu ảnh hưởng của bầu Hiển với nhau, nhưng thực tế là giới bóng đá nội, đặc biệt là đối với các đội bóng chịu tác động trực tiếp từ kết quả của những trận đấu như thế, sự ức chế với tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” là có thật.
Sự ức chế đấy dĩ nhiên càng tăng nếu như tình trạng vừa nêu gây ảnh hưởng đến sự sống còn của các đội bóng cụ thể, trong những cuộc đua mang tính sống còn.
Cuối năm 2012 là phát biểu của bầu Thuỵ trong lễ tổng kết mùa giải V-League cùng năm, rằng ông phản đối chuyện Hà Nội T&T khi đó (CLB Hà Nội bây giờ) và SHB Đà Nẵng “song kiếm hợp bích” cùng nhau, tước ngôi vô địch trên tay của XM Xuân Thành Sài Gòn. Và giờ là phản ứng của CĐV bóng đá Nam Định, đội đang tranh suất trụ hạng với Sài Gòn FC.
Trong bóng đá Việt Nam, suất trụ hạng của một đội bóng có thể liên quan đến sự sống còn, tồn vong của chính đội bóng đấy trong môi trường đỉnh cao, nên CĐV bóng đá thành Nam cảm thấy xót xa cho đội mình cũng phải.
Nam Định hay CLB TPHCM không sợ rớt hạng nếu họ được đua tranh một cách sòng phẳng với Sài Gòn FC. Họ sợ nhất là điều ngược lại xảy ra, trong khi nhìn vào thống kê nêu ở phần đầu bài, nhìn vào các thông số nêu ở trên, các đội cùng đua tranh suất trụ hạng với Sài Gòn FC không thể không lo!