Thật ra đây là điều bình thường trong bóng đá chuyên nghiệp. Bóng đá đỉnh cao không lạ chuyện cầu thủ khiêu khích đối thủ và gây áp lực với cả trọng tài, để chiếm phần lợi thế tâm lý về cho mình.
Quay trở lại với trận lượt đi nói trên, CLB Hà Nội phản ứng trọng tài Ngô Duy Lân rất mạnh vào cuối trận, khiến họ phải nhận án phạt từ Ban kỷ luật VFF.
Án phạt trong những trận đấu như thế này là điều không hiếm, nhưng CLB Hà Nội không phải phản ứng vì chiếc thẻ riêng lẻ của Thành Lương, mà họ phản vì chuỗi sự việc xảy ra trước đó, xuyên suốt cả trận đấu.
Họ phản ứng vì trọng tài xử lý rất rát các pha tranh chấp của đội bóng thủ đô với cầu thủ HA Gia Lai, xử lý triệt để các pha chơi tiểu xảo của cầu thủ đội khách, nhưng lại nhẹ tay với những tình huống tương tự từ đội chủ nhà.
Nhìn hình ảnh này, ai nói cầu thủ HA Gia Lai không biết dùng tiểu xảo để gây áp lực cho trọng tài?
Không phải ngẫu nhiên mà giữa 2 hiệp, HA Gia Lai đã tính chuyện thay tiền đạo Rimario ra khỏi sân, bởi cầu thủ ngoại binh của Gỗ có rất nhiều tiểu xảo khiến trận đấu có nguy cơ rơi vào thế mất kiểm soát.
Ban huấn luyện HA Gia Lai khi đó không thay Rimario vì sợ ảnh hưởng đến chuyên môn. Và cũng trong trận đấu đó, bên phía đội bóng phố núi, không chỉ có mình Rimario biết chơi tiểu xảo.
Đấy là tình huống Vũ Văn Thanh sau pha tranh chấp với Văn Kiên của CLB Hà Nội trong hiệp 1, khôn khéo cho đối phương phải… ở dưới háng mình, cùng một hành động cố tình va chân vào đầu Văn Kiên, vừa đủ để không nhận thẻ, vừa gây ức chế cho đối phương.
Đấy là những pha gài người, kê người rất khéo của Minh Vương khiến cho đối thủ lúng túng, còn trọng tài cũng không dễ xử lý.
Nhận định cầu thủ HA Gia Lai hiện nay không biết chơi tiểu xảo là... lầm to
Và đấy còn là những tình huống gây áp lực có hệ thống của dàn cầu thủ HA Gia Lai, sẵn sàng tranh cãi với trọng tài để giành lợi thế cho đội mình, thường bắt đầu hành động tiến sát đến trọng tài của đội trưởng Xuân Trường, rồi các cầu thủ khác cứ lần lượt, lần lượt tiến đến gây áp lực.
Điều này thì không chỉ được nhìn thấy trong trận đấu với CLB Hà Nội ở lượt đi tứ kết cúp quốc gia - Sư tử trắng 2018, mà còn xuất hiện ở các trận gặp Khánh Hoà ở vòng 7 Nuti Cafe V-League 2018, rồi những trận đấu trước đó.
Những màn gây áp lực đối với trọng tài dạng vừa nêu hoặc chưa đủ căng đến độ để các “vua sân cỏ” xử lý thẻ, hoặc chính các trọng tài cũng ngại vía của bầu Đức nên chẳng dám làm căng với cầu thủ HA Gia Lai (thành ra mới có chuyện CLB Hà Nội ức chế vì điều đó).
Cũng dễ hiểu thôi, ngay đến các quan chức hàng đầu của bóng đá Việt Nam hiện nay còn ngại áp lực từ các phát biểu của bầu Đức, thì giới trọng tài vốn chỉ là một bộ phận của nền bóng đá, tránh sao khỏi áp lực.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, việc các cầu thủ HA Gia Lai biết sử dụng tiểu xảo là điều đáng mừng cho tập thể những Xuân Trường và các đồng đội, bởi khi họ biết làm điều đó, họ cho thấy họ đang trưởng thành, thích nghi với môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Miễn là họ biết cách điều tiết đừng để các tiểu xảo đi quá giới hạn. Riêng chuyện họ dùng tiểu xảo, gây ức chế cho đối thủ, gây áp lực cho trọng tài mà giới trọng tài không thể xử lý, hoặc không dám xử lý thì đó là việc của… trọng tài!