Còn với bóng đá Thái Lan, nền bóng đá này còn có đại diện lọt vào vòng knock-out AFC Champions League, tức cao hơn AFC Cup 1 bậc.
Các CLB Việt Nam chưa đủ sức thi thố tại AFC Champions League, chưa bao giờ vượt qua giai đoạn đấu bảng của cúp C1 châu Á. Rồi ngay cả khi rớt xuống sân chơi có đẳng cấp thấp hơn là AFC Cup, các đội bóng trong nước cũng không thành công.
So về thực lực, nhiều chuyên gia bóng đá trong nước đánh giá thực lực của các đội bóng Việt Nam không thua các CLB tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, động lực của các đội bóng nội mới là đáng nói.
FLC Thanh Hoá trong mùa giải năm nay thường xuyên sử dụng đội hình dự bị tại AFC Cup, điều đó phần nào phản ánh đội bóng xứ Thanh không mặn mà với sân chơi châu lục.
SL Nghệ An khá hơn đội bóng xứ Thanh trong toàn bộ hành trình vòng bảng AFC Cup năm nay, nhưng vẫn chưa đủ để có vé đi tiếp, chưa đủ để chen chân vào nhóm dự vòng bán kết khu vực Đông Nam Á của giải.
Tốn kém có thể là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến cho các đội bóng Việt Nam ngại tiến xa tại AFC Cup. Với kinh phí di chuyển đối với các giải đấu châu Á, càng vào sâu thì các đội bóng càng tốn tiền.
Dĩ nhiên, AFC có hỗ trợ kinh phí cho các đội bóng tham dự các giải đấu do AFC tổ chức, nhưng khoản tiền này là chưa đủ hấp dẫn đối với các CLB.
Năm 2009, khi vào đến bán kết AFC, B.Bình Dương từng nhận thêm 1 tỷ đồng tiền hỗ trợ từ phía VFF. Dù vậy, khoản hỗ trợ nói trên vẫn chưa thấm vào đâu so với kinh phí mà các đội bóng bỏ ra để duy trì lực lượng, di chuyển tại giải châu Á, trong khi nguồn ngân quỹ của hầu hết các CLB chỉ có hạn.
Ngay cả với các đội bóng nhà giàu như CLB Hà Nội trước đây hoặc FLC Thanh Hoá bây giờ, khoản đầu tư cho việc vươn ra biển lớn ở sân chơi châu lục luôn khiến họ cân nhắc.
Với riêng các đội đấy, họ không thiếu tiền, nhưng vẫn ngại giải châu Á. Nếu các CLB thành công ở V-League, hiệu ứng mang lại cho họ, cho các doanh nghiệp bảo trợ thường lớn hơn, kể cả hiệu ứng tạo ra liên quan đến các dự án ngoài bóng đá của các ông bầu. Trong khi đó, thành công ở sân chơi AFC Cup chưa mang đến hiệu ứng tương tự như thế.
Nói cho cùng, nguyên nhân sâu xa khiến các CLB Việt Nam thường gây thất vọng ở đấu trường châu Á xuất phát từ tính chuyên nghiệp chưa cao. Sự chưa chuyên nghiệp ở đây nằm ở hình thức đầu tư, phương thức đầu tư và mục đích đầu tư.
Các CLB trong nước cũng chưa thể dùng bóng đá để nuôi lại bóng đá, nên càng đá nhiều giải, càng vào sâu ở các sân chơi nằm ngoài kế hoạch tài chính (nói nôm na là nằm ngoài V-League), thì các CLB càng dễ thất thu, khiến họ động lực của họ ở các giải đấu cúp thường ở mức thấp!