Có một chi tiết cần nhắc đến là trùng ngày diễn ra trận đội tuyển Việt Nam gặp Campuchia vào ngày 5/9 vừa rồi, trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2019, đội tuyển Thái Lan cũng có trận đấu với Australia tại vòng loại World Cup 2018 – khu vực châu Á.
Kết quả là Thái Lan thua Australia 2-1. Tuy nhiên, cách thua của đội bóng đất Chùa Vàng rất đáng lưu tâm: Họ liên tục gây khó cho Australia, chỉ chịu thất bại sát nút bằng bàn thua ở cuối trận.
Cho đến thời điểm hiện tại, Thái Lan vẫn còn có khoảng cách nhất định so với nhóm các đội hàng đầu châu lục, và họ cũng đã bị loại khỏi VCK World Cup 2018. Tuy nhiên, về mặt lộ trình, người Thái rõ ràng cho thấy họ có định hướng trong việc vươn lên nhóm đầu châu Á, cũng như có khả năng xích lại gần trình độ châu lục.
Thái Lan không thắng trận nào ở vòng loại cuối cùng World Cup 2018 – khu vực châu Á, nhưng các đội bóng trong nhóm đầu châu lục cũng không dễ thắng đội bóng đất Chùa Vàng. Ngoài một số trận hoà với Australia, UAE, ngay cả các đội bóng mạnh khác cũng không dễ thắng Thái Lan.
Trái ngược với hình ảnh mạnh mẽ của đội tuyển Thái Lan tại vòng loại World Cup 2018, là hình ảnh chật vật của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2019, cho dù đẳng cấp của 2 sân chơi là khá chênh lệch nhau.
Điều đó cho thấy bóng đá Thái Lan đã ở khá xa trình độ của bóng đá Đông Nam Á nói chung và so với bóng đá Việt Nam nói riêng, đặc biệt là khi chúng ta nhìn vào nền tảng của 2 nền bóng đá, bao gồm giải Thai-League và giải V-League.
Thai-League hiện có 18 đội, với tính cạnh tranh rất cao, các đội bóng ở Thai-League cũng đủ sức tranh chấp tại giải đấu hàng đầu châu Á tầm CLB là AFC Champions League (trong khi các đội bóng thuộc V-League không có khả năng này). So về sức hút đối với khán giả và tính thương mại, Thai-League cũng vượt xa V-League.
Yếu tố khán giả hiện là một trong những yếu tố đáng lo ngại nhất tại V-League, khi số lượng người xem giảm đến mức báo động. Tính cạnh tranh của V-League quá thấp. Rồi cũng không ở đâu có hiện trạng hạng trên lên nhiều đội hơn hạng dưới như ở hệ thống các giải quốc nội của Việt Nam (V-League có 14 đội, giải hạng Nhất chỉ có 7 đội).
Riêng ở Thái Lan, số lượng các đội ở từng hạng đấu của họ lần lượt là 18 (Thai-League 1), 20 (Thai-League 2), 22, rồi 24 theo hạng thấp dần. Tức là càng lên cao thì tính sàng lọc của bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan càng lớn, trái ngược với tình trạng không cần sàng lọc nhiều vẫn có thể đá ở đỉnh cao như V-League.
Tính cạnh tranh thấp, chất lượng giải quốc nội thấp dẫn đến chất lượng và bản lĩnh của cầu thủ Việt Nam ngày càng thua xa so với cầu thủ Thái Lan. Bản lĩnh là yếu tố được trui rèn thông qua thực tế, một khi giải V-League ít tính cạnh tranh, ít những trận cầu có tính ganh đua cao, thì cầu thủ Việt Nam từ đó bản lĩnh cũng yếu đi.
Đó cũng chính là lý do giải thích cho hiện tượng cầu thủ Việt Nam ở vạch xuất phát không kém cầu thủ Thái Lan, ví dụ như lứa U19 của Công Phượng và các đồng đội từng thắng lứa cầu thủ chung độ tuổi của bóng đá Thái. Thắng nhiều lần trong quá khứ, nhưng lên đến tuổi 22, họ thua chính dàn cầu thủ U22 của Thái Lan, bất chấp đội bóng U22 đất Chùa Vàng còn không dùng đến lực lượng tốt nhất.
Đấy cũng chính là lý do mà người ta nhận định bóng đá trẻ không phải là bộ mặt của các nền bóng đá, thành công ở các giải trẻ không đồng nghĩa sẽ thành công ở các giải đấu lớn về sau, nếu không có định hướng tốt và không tạo được nền tảng phát triển tốt cho các cầu thủ trẻ!