Ông đã từng sống trong tiếng tung hô của người đời trong quá khứ, nhưng giờ đây chính những con người đấy lại đang hả hê trong ngày ông nói lời chia tay với CLB sau 22 năm dẫn dắt. Wenger đã nói những lời chia tay với Arsenal với sự dứt khoát và chân thành. Nhưng trong sâu thẳm trái tim ông, nước mắt đang chảy ngược vào trong.
Wenger là kẻ lạc lõng trong thế giới bóng đá hiện đại
Wenger phải đi vì ông hiểu rằng ông ở lại cũng chẳng cứu vãn được điều gì. Thế giới bây giờ đã thay đổi quá nhiều so với thời ông mới đến Arsenal hơn 20 năm về trước, và ông cảm thấy như mình lạc lõng ở nơi này. Trong thế giới ấy không có chỗ cho sự lãng mạn, không có cái đẹp, và những giá trị nhân văn không tồn tại.
Xem thêm: Tin chuyển nhượng bóng đá anh
Ông phải đi vì đơn giản ông không thuộc về nơi này. Ở Premier League, người ta ca ngợi ông và Sir Alex Ferguson như hai HLV vĩ đại nhất thế giới, những tấm gương điển hình cho sự chung thủy mà thứ bóng đá thời kim tiền giờ đây không thể nào có. Nhưng ông không phải là Sir Alex Ferguson.
HLV người Scotland là một người thức thời. Ông có thể thay đổi mọi thứ miễn sao nó phù hợp với xu thế. M.U của Sir Alex Ferguson thời 1998/99 là biểu tượng của bóng đá tấn công đẹp mắt, những pha phối hợp một, hai đã đi vào lòng người như cặp Dwight Yorke và Andy Cole đã từng làm.
Nhưng M.U trong những năm cuối của Sir Alex lại là một đội bóng chơi thực dụng theo kiểu biết người, biết ta. Trong một trận đấu cụ thể, M.U có thể nhập cuộc bằng cách phá nát lối đá của đối thủ thay vì chơi bóng. Wenger không làm được những điều như thế.
Cho dù là Barca hay Stoke City thì vị “Giáo sư” cũng chỉ cho Arsenal của ông chơi theo đúng một kiểu duy nhất, đó là tấn công đối thủ. 20 năm trước lối chơi ấy của chiến lược gia người Pháp có thể làm khiếp sợ cả Châu âu, minh chứng là mùa giải bất bại của Pháo Thủ 2003/2004. Một kỷ lục vô tiền khoáng hậu mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ có đội nào lập lại được nữa ở Premier League.
20 năm trước, người ta có thể ca ngợi ông về lối đá duy mỹ và làm mãn nhãn người xem, 20 năm sau lại chính những con người ấy tham gia vào những cuộc biểu tình mạnh mẽ nhất đòi sa thải ông về một lối chơi cổ hủ... Trong ngày nói lời chia tay với Arsenal, Wenger không hề khóc khi ông biết rằng chẳng có một ai thương xót ông cả, kể cả đấy có là những ông chủ của Arsenal, người tưởng như luôn ủng hộ Wenger vô điều kiện.
Nhưng trong sâu thẳm đáy lòng ông, trái tim đang rỉ máu. Ông tự khóc cho số phận của mình, khóc vì những cống hiến của ông ở sân Emirates không được người ta nhìn nhận một cách trân trọng nhất, khóc vì những giá trị nhân văn trong cuộc đời này mãi mãi vẫn chỉ là một thứ yếu so với những giá trị thực tế khác.
Wenger ra đi, những người từng đòi sa thải ông liệu có thấy hạnh phúc?
Năm ngoái Arsenal không được dự Champions League, và nhiều khả năng năm nay cũng vậy. Điều đó đã làm ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu và hình ảnh của CLB. Người ta ngay lập tức đua nhau “ném đá” Wenger và cho rằng ông phải là người chịu trách nhiệm lớn nhất cho việc này.
Xem thêm: chuyển nhượng ngoại hạng Anh
Năm ngoái Man City bỏ ra hơn 500 triệu bảng mua sắm, số tiền của M.U cũng chỉ thấp hơn một chút. Vậy xin hỏi quy cho Wenger trách nhiệm thua kém các đối thủ ở Premier League là trách nhiệm gì vậy? Tuy nhiên Wenger không phải là Mourinho, ông không đòi BLĐ Arsenal phải đáp ứng mỗi năm phải mua hai, ba ngôi sao để ông có thể cải thiện chất lượng đội bóng.
Wenger hiểu tình hình khó khăn của CLB, và ông buộc phải tự xoay sở trong hoàn cảnh các đối thủ khác ngày càng mạnh hơn nhờ những đồng tiền. Trong hoàn cảnh như vậy, vị chiến lược gia người Pháp vẫn giúp Pháo Thủ đứng vững và luôn là một đội bóng khiến nhiều CLB khác phải nể sợ. Đấy là một điều phi thường.
Ở Europa League năm nay, Arsenal của ông đã hiên ngang tiến vào Bán kết. Và nếu như đội chủ sân Emirates vô địch Europa League năm nay để giành quyền tham dự Champions League theo một cách ngoạn mục như phim Hollywood thì người ta phải phục Wenger sát đất. Lúc đấy không biết sẽ có bao nhiêu giọt nước mắt rơi vì ông?...
Pep Guardiola không phải là một HLV vĩ đại, Mourinho cũng vậy. Thậm chí HLV người Bồ còn liên tục bị các học trò “phản sau lưng”. Wenger có lẽ cũng không phải là một HLV vĩ đại, nhưng ông là một vĩ nhân, chắc chắn thế.
Rất ít khi người ta nghe thấy một học trò cũ nói xấu về Wenger. Ông như một thầy giáo, một người Cha đối với những học trò của mình. Trong quá khứ, Henry từng muốn đến Barca trong những năm cuối sự nghiệp vì anh muốn có những danh hiệu và huyền thoại người Pháp hiểu rằng ở Arsenal anh không thể có.
Henry đã chủ động tìm gặp Wenger để tâm sự những ước muốn này. Ngay ngày hôm sau thông tin anh sẽ đến Barca lan tràn trên khắp các mặt báo. Và người đã mở đường cho Henry đến với sân Camp Nou không phải ai khác đó chính là Wenger. Fabregas ngày hôm qua cũng từng thổ lộ sai lầm lớn nhất đời anh là rời bỏ Arsenal, rời bỏ Wenger.
Đúng thế, bây giờ ai cũng có thể rời bỏ Wenger và chế giễu ông khi cho rằng ông là một kẻ gàn dở và lỗi thời. Nhưng đến mùa giải năm sau, khi nhìn thấy một khuôn mặt lạ lẫm nào đó ngồi ở chiếc ghế mà Wenger đã từng ngồi suốt 22 năm, họ sẽ lại nhớ về ông, hoài niệm về ông. Và chỉ cần Arsenal chơi không tốt so với những gì mà Wenger đã từng làm được trước đó thôi, hai từ “Giá như” lại được người ta thốt ra để nuối tiếc về ông...
Tạm biệt Wenger! Tạm biệt kẻ lãng mạn cuối cùng còn sót lại, nhưng không được một ai thương cảm!...
Quang Minh