Thật ra thì cả bầu Đức và HLV Miura đều có điểm chung là vì bóng đá Việt Nam, muốn các đội tuyển quốc gia tốt hơn, theo quan điểm của từng người. Chỉ có điều, do quan điểm đấy khác nhau, nên nẩy sinh ra mâu thuẫn, trước khi đôi bên không tìm thấy điểm chung, và HLV Miura buộc phải rời đội tuyển được quản lý bởi VFF mà bầu Đức là phó chủ tịch.
Hồi đấy bầu Đức sốt ruột khi lứa cầu thủ cưng của mình không được sử dụng nhiều ở các đội tuyển quốc gia, nhưng HLV Miura lại có ý kiến khác, rằng các cầu thủ đấy phần đông chưa đủ kinh nghiệm và chưa đủ “chín” ở thời điểm cách nay hơn 2 năm, nên chưa dùng ngay được.
Đụng quan điểm với nhau, đôi bên không thể tiếp tục hợp tác. Giờ thì cả hai chuẩn bị tái ngộ nhau tại V-League 2018.
HLV Miura không còn là HLV của các đội tuyển quốc gia. Vị HLV người Nhật giờ là “lái trưởng” của CLB TPHCM, với tham vọng giành ngôi cao tại giải đấu số 1 Việt Nam.
Bầu Đức cũng chuẩn bị rút khỏi cương vị phó chủ tịch VFF, để quay về chuyên tâm với cương vị là một ông bầu bóng đá ở đội HA Gia Lai, mang theo tham vọng giúp đội bóng phố núi tìm lại thời vàng son. Tức là, về lý thuyết, công việc của bầu Đức không còn ảnh hưởng đến công việc của HLV Miura.
Chuẩn bị tái ngộ bầu Đức cũng là lúc HLV Miura chuẩn bị tái ngộ lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn…
Đúng là có một số người trong số đấy ông Miura có lúc bảo rằng họ chưa đủ chín để gánh vác nhiều trọng trách ở các đội tuyển. Nhưng ngược lại cũng có người nhờ vị HLV người Nhật mà chơi hay hơn hẳn chính họ hồi còn ở các đội trẻ, như Công Phượng, Văn Toàn.
Những cầu thủ đấy nhờ HLV Miura mà phát triển lên một tầm cao mới. Đó là Công Phượng phát triển tốt hơn về mặt tư duy chơi bóng, khi được huấn luyện bởi HLV Miura. Còn Văn Toàn qua bàn tay của HLV Miura phát hiện ra rằng mình đá cánh hay hơn đá trung phong, đá ở hàng tiền vệ hiệu quả hơn chơi ở hàng tiền đạo.
Nói cho cùng thì bóng đá hấp dẫn vì những sự khác biệt về quan điểm, như quan điểm của bầu Đức thì thích đá đẹp, trong khi triết lý của HLV Miura lại thiên về thực dụng. Những sự khác biệt về quan điểm đấy mới tạo nên sự đa dạng về trường phái trong bóng đá, trước khi tạo nên sự đối lập về lối chơi của các đội bóng.
Giữa 2 con người rất nổi tiếng trong bóng đá Việt Nam là HLV Miura và ông bầu Đoàn Nguyên Đức từng có những bất đồng, nhưng đôi khi chính những sự bất đồng đấy tạo nên sự hấp dẫn trong môn thể thao vua.
Miễn là, họ vẫn tôn trọng công việc của nhau. Không riêng gì trong bóng đá, sự khác biệt về mặt quan điểm là điều không hiếm gặp trong mọi lĩnh vực. Đôi khi, sự bất đồng còn là tiền đề để tạo ra sự phát triển, nếu các bên đều hướng đến cái chung! Tin rằng cả HLV Miura lẫn bầu Đức đều hướng đến cái chung đấy, rằng họ đều muốn bóng đá Việt Nam tốt hơn!