Không có gì phải đáng tiếc cả, thực ra, cầu thủ U22 Thái Lan chỉ kỹ thuật hơn quân ông Thắng, mạnh hơn Công Phượng và đồng đội ở cả sức bền tốc độ, lẫn khả năng tranh chấp và nữa, họ chỉ hợp lý hơn về mặt đấu pháp, cách tiếp cận trận đấu và cả cách tận dụng tối đa những sai lầm của chúng ta…
Họ thắng và thậm chí còn thắng đậm đội bóng của HLV Hữu Thắng, là chuyện bình thường. Hơn 90 phút dài hơn thế kỷ trên SVĐ Selayang, Malaysia, gói gọn chỉ bằng mấy từ đó, không cần nhiều.
Không hẳn vì khát khao giành thêm 3 điểm (nếu hoà, U22 Thái Lan vẫn chắc suất vào bán kết), mà HLV Worrawoot Srimaka xua quân lên đánh phủ đầu U22 Việt Nam ngay sau tiếng còi khai cuộc, đơn giản họ nắm thóp được chúng ta và mạnh hơn chúng ta.
U22 Thái Lan chơi pressing, với kỹ thuật cá nhân và sức mạnh tranh chấp tuyệt vời, bất kể mặt cỏ sân Salayang rất tệ, không cho U22 Việt Nam bất cứ không gian nhỏ nào để chơi bóng. Sự khác biệt rất nhanh chóng được tạo ra.
Phí Minh Long thoát khỏi bàn thua sớm, sau cú sút bóng sống như búa bổ, bóng liếm mép xà ngang dội đất, nhưng sai lầm ở phút thi đấu cuối cùng hiệp 1, không cho Minh Long cơ hội sửa sai.
Trước đó, U22 Việt Nam cũng có một tình huống tổ chức phản công chớp nhoáng, nhưng ngay cả khi Tuấn Tài không đưa bóng trúng cột dọc mà thành bàn, thì sự thật không thể chối cãi rằng:
Thế trận đã và sẽ vẫn thuộc về đối phương. Một bàn, rồi bàn thua thứ 2, ngay trong đầu hiệp nhì. Giả thuyết đặt ra rằng, nếu Công Phượng thành công trên chấm 11m, sau khi Quang Hải bị phạm lỗi trong khu vực cấm địa, đội tuyển U22 Việt Nam có thể đã tìm lại được ánh sáng cuối đường hầm.
Nhưng suy luận thế bị cho là dở người. Không có bất cứ phương án tác chiến hợp lý nào được thực thi để tiếp cận cầu môn U22 Thái Lan, trước và sau pha bóng dẫn đến quả penalty của Quang Hải, ngược lại, nếu “tận thu”
U22 Thái Lan không chỉ có 3 bàn vào lưới Phí Minh Long ở trận này. U22 Indonesia chiến thắng, đẩy U22 Việt Nam rời SEA Games 29 Cục diện bảng B đã ngã ngũ. .
Thua và thua toàn tập, trong một trận đấu, cũng chẳng có điều gì đáng nói cả, nhưng sở dĩ chúng ta phải bàn (và sẽ còn bàn nhiều), là sự kỳ vọng lên quá cao khiến người ta quên đi thực tại, về khái niệm gọi là đẳng cấp, năng lực cạnh tranh và năng lực chinh phục giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan vẫn còn nhiều khác biệt.
Thái Lan có thể chơi thiếu thuyết phục ở một vài thời điểm, nhưng họ mang trong mình dòng máu của quân vương, của kẻ chinh phục và chinh phạt giải đấu khu vực.
Còn bóng đá Việt Nam, có lẽ giấc mơ đổi màu tấm huy chương SEA Games sẽ vẫn như giấc mộng Kinh Kha trong điển tích xưa: Một đi và không bao giờ trở lại.
Cả dân tộc luôn phát sốt trước các kỳ SEA Games là điều khá bất thường, bởi ai cũng biết, đây chỉ là sân chơi dành cho bóng đá trẻ và không có bất cứ sự đảm bảo nào cho tương lai nền bóng đá sẽ được nâng cấp, ngay cả khi chúng ta giành HCV.
Người Thái đã từng bỏ SEA Games để hướng đến các mục tiêu xa hơn đấy thôi. Không cần một cuộc đại phẫu nào cho nền bóng đá cả, mà chỉ cần thay đổi tập tục, thói quen suy nghĩ và lối tư duy – bệnh thành tích, đã ngấm vào máu, bóng đá Việt Nam sẽ có những cơ hội khác tốt hơn.
Bởi chúng ta có tiềm năng (ít nhất là với bóng đá trẻ) chứ không phải không.