Ngôi đầu hiện thời đang thuộc về CLB Hà Nội. Nhưng có lẽ đội bóng thủ đô sẽ giữ vị trí này không lâu, bởi CLB Quảng Nam vẫn còn một trận chưa đấu, trong khi đôi nhì bảng Quảng Nam hiện ngang điểm với đội đầu bảng là CLB Hà Nội (cùng 42 điểm).
Mà CLB Hà Nội hay CLB Quảng Nam dẫn đầu V-League thì đấy vẫn là những đội bóng của bầu Hiển. Đội nào thắng trong cuộc đua giành ngôi vô địch mùa giải năm nay thì vẫn là bầu Hiển thắng.
Thậm chí, trong trường hợp CLB Quảng Nam sẩy chân trước Than Quảng Ninh ở trận đấu muộn nhất của vòng 24 (trận Quảng Nam – Than Quảng Ninh được dời lại đến ngày 10/11), để Than Quảng Ninh ngang điểm với nhóm đầu (Than Quảng Ninh hiện có 39 điểm, nếu thắng Quảng Nam họ sẽ có 42 điểm), thì đội bóng vùng mỏ cũng là đội chịu ảnh hưởng của bầu Hiển, khi ngân hàng SHB của ông bầu này là nhà tài trợ cho Than Quảng Ninh.
V-League rốt cuộc quay lại với kịch bản quen thuộc của nhiều mùa bóng gần đây, đó là bầu Hiển, hay nói chính xác là các đội bóng của bầu Hiển chiếm ưu thế ở phút chót.
Trong nhóm các đội đang dẫn đầu và về lý thuyết vẫn còn khả năng đoạt ngôi vô địch V-League 2017, còn có Khánh Hoà. Nhưng đấy là về lý thuyết, trên thực tế, rất ít người tin rằng đội bóng phố biển sẽ đua đến cùng để có danh hiệu.
Tiềm lực tài chính lẫn nguồn lực con người không cho phép đội bóng phố biển cạnh tranh đến cùng để có vương miện của mùa giải.
Từ đầu chí cuối mùa bóng 2017, chỉ có 1 ông bầu thực sự tranh ngôi vô địch V-League với bầu Hiển, đó là bầu Quyết của FLC Thanh Hoá, nhưng càng đá thì đội bóng của bầu Quyết càng đuối.
Từ chỗ dẫn đầu với khoảng cách điểm khá tốt với nhóm bám đuổi, FLC Thanh Hoá đã mất ngôi đầu và mất quyền tự quyết trong cuộc đua đến ngôi vô địch. Giải cũng chỉ còn 2 vòng, thời gian quá ít để FLC Thanh Hoá có thể sửa sai cho chính mình. Thành ra, khả năng năm nay cúp vô địch một lần nữa thuộc về bầu Hiển là khả năng cao nhất.
V-League vì thế cũng mất dần sự hấp dẫn, bởi tính cạnh tranh thấp dần theo từng năm, không có nhiều chi tiết mới, có quá ít bất ngờ để người hâm mộ có thể chờ đợi, trong khi tính giải trí, tính cống hiến của giải đấu vốn đã kém.
Cộng thêm chất lượng và chỉ số niềm tin vào giới trọng tài, tính kỷ luật của giải, của các ban chức năng thuộc VFF tham gia điều hành giải (Ban kỷ luật, Ban trọng tài) ở mức thấp, khiến cho niềm tin vào giải đấu mỗi lúc một giảm.
VPF không có quyền hạn để chấn chỉnh các ban chức năng của VFF, bản thân VFF thì lo chuyện đại hội nhiệm kỳ vào đầu năm sau hơn là lo chấn chỉnh các ban chức năng của mình, cụ thể là Ban kỷ luật và Ban trọng tài, thế nên V-League về cuối dù bộc lộ những bất cập nhưng không được giải quyết đến nơi đến chốn, trong khi lẽ ra giải đấu này phải là ưu tiên số 1 của làng cầu nội, vì tính nền tảng cho cả nền bóng đá!