Cầu thủ nữ Việt Nam: Vượt lên cuộc sống gian khó bằng những nụ cười

Cầu thủ nữ Việt Nam: Vượt lên cuộc sống gian khó bằng những nụ cười

28-08-2017 21:00
Sẽ là phi thực tế khi cứ mãi so sánh bóng đá nữ với bóng đá nam, bởi đây là câu chuyện diễn ra trên khắp thế giới. Điều đáng trân trọng đối với các cô gái đá bóng cũng ở chỗ đấy, không bao giờ xem nỗi nhọc nhằn là trở lực trên đường đi đến thành công.

Không có con đường dễ dàng để đi đến thành công

Sự khập khiễng về mặt thu nhập của cầu thủ nữ so với cầu thủ nam là điều xảy ra trên toàn thế giới, chứ không riêng gì trong bóng đá Việt Nam.

Bởi đơn giản là tính cạnh tranh của bóng đá nam khốc liệt hơn bóng đá nữ, sức hút với truyền thông, với các nhà tài trợ và khả năng tạo ra lợi nhuận của bóng đá nam cao hơn hẳn.

Trên thế giới, có lẽ chẳng có cầu thủ nữ nào có thu nhập bằng khoảng 1%, hoặc thậm chí là bằng 1/1000 thu nhập của Ronaldo hoặc Messi (chỉ tính thu nhập của họ từ bóng đá). Số lượng nữ cầu thủ triệu phú cũng cực hiếm, trong khi với bóng đá nam, cứ hễ thi đấu chuyên nghiệp là gần như sẽ trở thành triệu phú, dù chỉ là cầu thủ tầm trung bình.

Thành ra, câu chuyện cầu thủ nữ Việt Nam vất vả, bóng đá nữ Việt Nam eo hẹp về kinh phí hơn hẳn bóng đá nam cũng chẳng phải là điều lạ.

Phía sau thành công của bóng đá nữ là bao nỗi nhọc nhằn 

Người ta chỉ lạ ở chỗ dù gặp rất nhiều khó khăn, bóng đá nữ Việt Nam vẫn giành hàng loạt vinh quang, trong bối cảnh mà bóng đá nam liên tục được đầu tư, chăm chút vẫn không làm được. Đấy là chi tiết khiến người xung quanh càng thêm trân trọng các cô gái đá bóng.

Nhiều cầu thủ nữ xem việc họ phải gặt hái thành công trên sân cỏ như một lẽ đương khi khoác lên mình sắc áo đội tuyển, không hề có tâm lý ngại khó, ngại khổ, cũng chưa bao giờ họ tự so sánh điều kiện của họ với các đồng nghiệp nam.

Có lẽ chính tâm lý đó giúp cho các cầu thủ nữ luôn có được sự thoải mái, không phải chịu sức ép, rồi vươn đến thành công. Cho dù con đường đến thành công của hầu hết các cầu thủ nữ luôn đầy chông gai.

Ví dụ thần tượng số 1 của bóng đá Việt Nam hiện giờ là thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh, cô gái này đến với bóng đá bằng ý chí hơn người. Kiều Trinh kể rằng hơn chục năm trước, cô từ vòng quê nghèo Sa Đéc (Đồng Tháp) tham dự Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc 1996 trên quê nhà cũng chỉ cho vui.

Để đi đến vinh quang của ngày hôm nay, Kiều Trinh đã trải qua rất nhiều gian truân trong buổi đầu đến với bóng đá 

 

Nhưng rồi thầy giáo thể chất phát hiện ra năng khiếu của Kiều Trinh, khuyến khích cô tập đá bóng đá ở đội bóng đá nữ Đồng Tháp.

Phận con gái đá bóng, rào cản đầu tiên là… gia đình. Cha mẹ Kiều Trinh dĩ nhiên không muốn cô cái gái nhỏ của họ dang nắng, dang mưa theo cái nghiệp hồi đấy còn khá lạ với phụ huynh nói chung. Kiều Trinh toàn nói dối bố mẹ đi học thêm để đi đá bóng.

Đáp lại khó khăn bằng nụ cười

Bóng đá nữ Đồng Tháp “chết yểu”, Kiều Trinh lại một lần nữa phải khóc lóc xin cha mẹ đủ các kiểu để được lên TPHCM theo đội bóng đá nữ thành phố. Nhiều năm sau, đời cầu thủ nữ vẫn cực, vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn.

Nhưng mấy lần được hỏi: “Nếu biết trước đá bóng cực như thế này, nếu được chọn lại để theo nghề khác đỡ cực hơn, em có chọn lại không?” – Lần nào cũng vậy, người viết vẫn nhận được đúng 1 câu trả lời: “Em vẫn sẽ đi đá bóng”.

Trung vệ thép của bóng đá nữ Việt Nam Chương Thị Kiều tưởng có lúc đã không còn được tiếp tục đá bóng đỉnh cao vì chấn thương dai dẳng năm 2013

 

Giờ thì gia đình Kiều Trinh đã không còn cấm con gái mình theo nghiệp bóng đá nữa rồi. Giờ cô đã là niềm tự hào của cả gia đình, của bà con ở vùng quê nghèo Sa Đéc.

Với Kiều Trinh, những khoảnh khắc cùng cha mẹ, em gái đứng chung trên bục vinh quang trong những dịp được tôn vinh ở danh hiệu Quả bóng vàng nữ Việt Nam luôn là những khoảnh khắc đẹp nhất.

Giờ thì Kiều Trinh đã thuộc hàng kỳ cựu, tương lai của bóng đá nữ Việt Nam giờ được chuyển giao cho thế hệ của những Chương Thị Kiều, Huỳnh Như…

Họ cũng giống Kiều Trinh ở điểm vượt biết bao khó khăn, thậm chí là vượt qua định kiến xã hội để theo nghiệp con gái đá bóng.

Với Chương Thị Kiều, đó còn là nghị lực phi thường để vượt qua chấn thương dai dẳng, rồi đứng vững trên sân cỏ.

Rời quê nhà Kiên Giang lên TPHCM năm 15 tuổi, đá bóng chưa được bao lâu thì Chương Thị Kiều dính chấn thương rất nặng, phải xa sân cỏ gần cả năm trời khi mới 18 tuổi hồi năm 2013.

Nhưng đời có những chữ duyên, trong khoảng thời gian này, Chương Thị Kiều được một gia đình tốt bụng ở TPHCM cưu mang, giúp cô có thêm điều kiện, nhất là về mặt tinh thần để trở lại sân cỏ,

rồi liên tiếp cùng đội nữ TPHCM 2 lần vô địch bóng đá nữ quốc gia các năm 2015 và 2016, cùng ngôi vô địch SEA Games năm 2017.

Với họ, quãng đời bóng đá là quãng đời nhiều vất vả, mà khó khăn nhất là chuyện sau nghiệp cầu thủ, họ vẫn chưa biết thế nào là 2 chữ “tương lai”, vì kỳ thực họ chẳng có nghề gì khác ngoài đá bóng, chẳng biết sẽ ra sao sau ngày giải nghệ?

Nhưng, khi đề cập đến những khó khăn, Chương Thị Kiều chỉ hồn nhiên đáp trả bằng “nụ cười toả nắng”, còn Kiều Trinh hay một tượng đài khác của bóng đá nữ Việt Nam là Đoàn Thị Kim Chi chỉ nói đơn giản: “Mong mọi người quân tâm hơn đến bóng đá nữ một chút!”.

Một chút thôi, mọi người quan tâm đến họ thêm một chút, có thể đời đá bóng của họ sẽ bớt nhọc nhằn đi một chút!

Nguyễn Hoàng
Tin tức mới nhất