Chiến thắng 4-0 trước Chelsea ở vòng mở màn hóa ra chỉ là một thứ bình minh giả tạo. Bởi ngay sau đó là ba trận không biết mùi chiến thắng, gồm một thất bại trước Crystal Palace ngay ở Nhà hát của những giấc mơ, xen giữa vào đó là hai trận hòa trên đất khách trước Wolves và Southampton.
Đội hình MU yếu nhất 30 năm qua
Một quan điểm được rất nhiều người đồng tình: đội hình MU ở thời điểm hiện tại là yếu nhất suốt 30 năm qua. Khó có thể biện minh rằng việc chỉ thắng 1 trong 4 trận mở màn của thầy trò Solskjaer chỉ đơn thuần là một tai nạn. Quay lại cột mốc mùa 1992-93, mùa đầu tiên hạng đấu cao nhất nước Anh có tên gọi Premier League, MU khởi đầu mùa giải với thành tích 1 thắng, 1 hòa, 2 thua sau 4 vòng đầu tiên. Đội chủ sân Old Trafford khi ấy đã vượt khó thành công để giành chức vô địch nước Anh đầu tiên kể từ năm 1967. Nhưng không nhiều cổ động viên MU nghĩ về mùa bóng ấy để cảm thấy lạc quan cho mùa bóng hiện tại.
Một số người thậm chí còn tin rằng đội ngũ hiện tại của MU thua xa cả những người từng thi đấu ở mùa 2013-14, mùa đầu tiên của David Moyes, người từng được kỳ vọng kế nhiệm chiếc ghế huấn luyện Sir Alex Ferguson để lại. Vị trí thứ 7 chung cuộc rõ ràng là một thảm họa, nhưng khi ấy trong tay HLV Moyes vẫn còn những Rio Ferdinand, Nemanja Vidic, Patrice Evra, Robin van Persie hay Wayne Rooney. Còn trong tay Solskjaer lúc này thì sao? Kinh nghiệm thi đấu và chiều sâu đều ở mức cực thấp, và đó là hệ quả của chính sách chuyển nhượng tệ hại ở Old Trafford suốt hơn một thập kỷ qua.
Nói như thế không hề thậm xưng chút nào. Dấu hiệu của sự xuống dốc bắt đầu diễn ra từ năm 2009, khi Cristiano Ronaldo và Carlos Tevez lần lượt nói lời chia tay với sân Old Trafford, và MU lại thay thế họ bằng những chữ ký kém chất lượng hơn. Đến mùa hè năm nay, đội hình MU thật sự là một vấn đề lớn. Thay thế những kẻ hưởng lương cao nhưng thiếu tinh thần chiến đấu như Romelu Lukaku hay Alexis Sanchez không có gì sai. Có điều, việc tạo cơ hội ồ ạt cho những cầu thủ trẻ lại là một bước đi mạo hiểm và nhiều rủi ro trong một giải đấu khốc liệt như Premier League.
Thay máu quá nhanh và nhiều rủi ro
Tính từ đầu năm đến giờ, chúng ta có thể kể tên một danh sách dài những gương mặt đã tạm biệt MU gồm Marouane Fellaini, Antonio Valencia, Ander Herrera, Lukaku, Sanchez, Chris Smalling hay Matteo Darmian. Sân Old Trafford đón chào những tân binh nào? Chỉ có Harry Maguire, Daniel James và Aaron Wan-Bissaka. Thêm vào đó là việc Mason Greenwood và Tahith Chong được trao cơ hội nhiều hơn ở đội một.
Greenwood và Chong đúng là còn nhiều tiềm năng phát triển, nhưng cả hai đều chưa sẵn sàng gánh vác phần việc lớn lao ở đội một MU. Với cá nhân Greenwood, áp lực dành cho tiền đạo 17 tuổi này sẽ lớn hơn bởi HLV Solskjaer sẽ phải sử dụng anh nếu một trong số Marcus Rashford hay Anthony Martial phải ngồi ngoài trong một khoảng thời gian nào đó của mùa giải.
Lùi xuống tuyến giữa, Paul Pogba đúng là đang thi đấu “sáng nắng, chiều mưa”, nhưng HLV Solskjaer chẳng có ai thay thế nếu tuyển thủ người Pháp dính chấn thương hay thẻ phạt. Kỳ lạ nhất phải nhắc đến hàng thủ. Trước khi Smalling rời đi, MU có đến 7 trung vệ trong đội hình. Còn vị trí hậu vệ cánh thì chỉ có vỏn vẹn 3 người, trong đó Ashley Young, một hậu vệ cánh đã 34 tuổi được chuyển đổi từ tiền vệ, lại trở thành phương án B cho đôi cánh Wan-Bissaka và Luke Shaw.
Việc tái thiết nhân sự là nhiệm vụ cần thiết với MU. Mặt khác, thay máu quá mạnh lại đem đến rủi ro lớn, và tất cả đều thấy chỉ cần một vài ca chấn thương, HLV Solskjaer sẽ đứng trước nguy cơ không biết chọn ai để ra sân. Vị chiến lược gia người Na Uy chỉ mong đội bóng của ông có thể miễn nhiễm với chấn thương và sa sút phong độ ít nhất cho đến tháng Một năm sau, thời điểm kỳ chuyển nhượng mùa đông mở cửa.
Mùa giải mới đi qua được 4 vòng, và sẽ là vội vàng để đưa ra bất cứ phán xét nào về MU trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên Solskjaer cầm quân. Chiến lược gia 46 tuổi này đang phần nào hiểu được những vấn đề từ các HLV tiền nhiệm, nhưng ông vẫn đang loay hoay đưa MU đi đúng hướng.