Pep Guardiola đang biến Man City thành một cỗ máy hủy diệt đáng sợ

Pep Guardiola đang biến Man City thành một cỗ máy hủy diệt đáng sợ

26-09-2017 17:00
Với một tư tưởng siêu táo bạo, Pep Guardiola đang biến Man City thành một cỗ máy hủy diệt đáng sợ. Quan điểm của ký giả Peter Staunton trên trang Goal.

Ba vòng đấu gần đây, Man City hủy diệt các đối thủ với hiệu số bàn thắng bại lên tới 16-0, và họ có lẽ là cỗ máy tấn công hay nhất trong sự nghiệp cầm quân của Pep Guardiola.

Tấn công, tấn công, và tấn công

Mùa giải trước, Man City bỏ lỡ quá nhiều cơ hội, dẫn đến việc trắng tay hoàn toàn. Để sửa chữa sai lầm ấy, Pep Guardiola không chỉ tập hợp những cầu thủ giàu sức tấn công nhất, mà còn phải năng nổ nhất, quyết liệt nhất.

Bây giờ mới là tháng Chín, nhưng chiến lược gia người Catalan đã có tư tưởng nhắm hiệu số bàn thắng bại tốt nhất. Cách duy nhất để ông đảm bảo đội nhà hoàn thành mục tiêu trong những trận mà họ được dự đoán sẽ thắng, và đứng trên đối thủ cạnh tranh, là xóa sổ đối phương ngay từ phút mở màn cho đến khi kết thúc trận đấu.

Và khi họ nỗ lực hết mình, đơn giản là không thể ngăn cản. Có thể bạn đã từng hình dung ra một đội bóng mà các hậu vệ quán xuyến hết nửa sân nhà, còn lại dâng lên tấn công. Pep đã nuôi mô hình ấy trong đầu, và đưa vào thực tế.

Pep Guardiola và phát kiến siêu tấn công cùng Man City

Ông kéo tuyến phòng thủ, tiền vệ và tiền đạo lên cao hơn nữa, áp sát về phía khung thành đối phương, để thiết lập một ê kíp tấn công siêu nhanh – tất nhiên là khi sở hữu bóng. Đó là một sơ đồ độc nhất vô nhị, kiểu 2-1-4-3.

Vậy nếu không có bóng thì sao? Đừng lo điều đó, nhất với là một chiến lược gia xem cầm bóng là lẽ sống như Pep Guardiola.

3-4-3 phiên bản siêu tấn công

Nicolas Otamendi và John Stones cùng với Fernandinho, đã chơi hầu như suốt cả trận đấu với Crystal Palace ở vạch giữa sân.

Tuyến tiền vệ với Benjamin Mendy, David Silva, Kevin De Bruyne và Kyle Walker thi đấu rất gần khung thành đối phương, trong khi đó bộ ba Sergio Aguero, Raheem Sterling và Leroy Sane thì di chuyển xen kẽ trong hàng phòng thủ đội khách.

Silva và De Bruyne là động cơ tuyến giữa của Man City, nhưng họ thường xuyên loanh quanh và thăm dò khu vực 16m50. Đó là nơi họ triển khai hàng tiền vệ, và mọi kế hoạch tấn công đều được triển khai qua chân bộ đôi ấy.

Trước Palace, bộ đôi ấy đã chuyền 180 lần (91 cho De Bruyne, 89 cho Silva). De Bruyne có 78 đường chuyền bên phần sân Palace, còn Silva có 65. De Bruyne tạt 6 đường, Silva 7. Theo Opta, De Bruyne có 3 đường chuyền quan trọng, còn Silva có 6.

De Bruyne có hai đường "kiến tạo cấp 2", còn Silva có hai pha kiến tạo thành bàn. Mùa trước, Silva và De Bruyne đều có vai trò quan trọng trong đội hình City, nhưng họ cũng có những hạn chế trước khung thành. Mùa này, cả hai đã có những thay đổi.

Họ "nạp đạn" nhiều hơn, tạt bóng chính xác hơn, và tạo ra những đường bóng hai dễ chịu hơn. Sự năng động của bộ đôi này giúp Sane và Sterling được đẩy cao hơn, và tỏa sáng hơn. Để dễ hình dung về lối chơi của Man City, bạn hãy lấy 3-4-3 của Chelsea ở mùa giải trước, nhưng bỏ qua yếu tố thận trọng, và thêm vào đó là 500% "nọc độc" từ hàng tấn công thì sẽ ra.

Với lối chơi tấn công siêu "nhiệt" đó, Man City đã thắng 3 trận gần nhất ở Premier League với tỷ số 5-0, 6-0, và 5-0. Không những thế, họ còn đè bẹp Feyenoord 4 bàn không gỡ.

Một võ sĩ luôn muốn knock-out đối thủ

Có thể nói đây là một phát kiến mới của Pep, dù nó cũng dựa trên nền tảng kiểm soát bóng như Barca và Bayern Munich. Nếu như hai ông lớn kia cầm bóng khá nhiều như để vờn đối phương và có những lúc tưởng như chẳng thiết ghi bàn, thì Man City lại rất hối hả trong việc tiếp cận khung thành đối phương sau khi kiểm soát bóng. Ở Etihad, có lúc Pep đã đá tung một chiếc ghế để bộc lộ sự tức giận khi đội nhà kiểm soát bóng chậm để đối phương lui về thiết lập thế trận phòng ngự.

Sự hối hả của Pep Guardiola đã truyền lửa cho các học trò. Ông vỗ vai cậu bé nhặt bóng giục nhanh đưa bóng vào cuộc, ông gào thét chỉ đạo mỗi khi có cầu thủ nào nhận bóng mà chưa kịp chuyền đi. Sự giục giã trong giờ nghỉ còn quyết liệt hơn.

Pep muốn các cầu thủ không chỉ vượt trội đối phương về kiểm soát bóng, mà còn về tốc độ, mục tiêu và kiến tạo cơ hội nữa. Ông muốn các cầu thủ Man City luân chuyển bóng thật nhanh, và khi họ chưa thể hiện điều đó, ông không ngần ngại nhắc nhở. Những gì diễn ra sau giờ nghỉ giải lao thực sự là một màn hủy diệt.

Nếu coi Pep và Mourinho là những tay đấm cừ khôi thì rõ ràng chúng ta sẽ thấy những phong cách rất thú vị, nhưng trái ngược nhau hoàn toàn. Tối thứ Bảy, M.U của Mourinho đã đánh bại Southampton theo phong cách an toàn của "độc cô cầu bại" Floy Mayweather: chớp thời cơ, che chắn hiệu quả, và chiến thắng tối thiểu.

Với M.U, bí quyết để lên đầu BXH là thận trọng, giữ sạch lưới bằng mọi giá. Trái lại, Pep Guardiola giống như Vasyl Lomachenko, tay đấm hạng lông người Ukraine, người đã hạ knock-out 6 đối thủ gần nhất (chính xác là 3 knock-out, 3 đối thủ bỏ cuộc) để tạo dựng tên tuổi của mình.

Đội bóng của Pep đã bước vào trận với tâm thế rằng họ không tin tưởng vào điểm số từ các trọng tài, và đều luôn hướng tới việc hạ gục đối thủ xuống sàn. Và một khi Man City duy trì được phong độ ấy, không hàng thủ nào ngăn cản được họ.

Phạm Thể
Tin tức mới nhất