Nếu tìm kiếm cụm từ: “Dớp sân Mỹ Đình” trên Google, chúng ta thu được 218.000 kết quả trong 0,36 giây. Điều đó cho thấy những người Việt Nam thực sự quan tâm tới “nỗi sợ hãi” của đội tuyển Việt Nam khi thi đấu ở sân Mỹ Đình trong quá khứ. Thống kê đáng buồn ấy chỉ ra rằng đội tuyển Việt Nam chưa từng thắng ở vòng bán kết ngay trên sân nhà.
Trước thềm trận đấu, LĐBĐ Việt Nam đã có động thái di chuyển 40 quả bóng bằng bê tông chằng với nhau bằng dây xích trước sân Mỹ Đình. Đó được xem là hành động để “lấy hên” trước thềm trận đấu với Philippines.
Cũng tại sân nhà Mỹ Đình, cách đây 4 năm, những người hâm mộ Việt Nam như thể rơi xuống địa ngục với nỗi đau tột độ sau thất bại 2-4 trước Malaysia ở vòng bán kết (những bàn thua xuất phát từ sai lầm cá nhân). Chỉ vài ngày trước đó, chúng ta còn hân hoan trong niềm vui thắng lợi khi thắng 2-1 ngay trên đất Malaysia. Hay 2 năm trước (bán kết AFF Cup 2016), thủ thành Nguyên Mạnh đã dính thẻ đỏ sau pha bóng… thiếu tỉnh táo.
Bỏ qua yếu tố “tâm linh”, việc thi đấu trước khán giả nhà chưa chắc đã là lợi thế với bất kỳ đội bóng nào. Sự kỳ vọng đương nhiên là rất lớn. Nó còn tăng cao theo thành công của đội bóng. Giờ đây, nó gần như đã bị đẩy lên tới đỉnh điểm.
40.000 CĐV có mặt trên sân Mỹ Đình là 40.000 sự kỳ vọng. Đó chưa kể tới sự kỳ vọng lớn từ 90 triệu người dân Việt Nam. Rõ ràng, vượt qua sức ép của sự kỳ vọng chưa bao giờ là dễ dàng với các cầu thủ (nhất là những người không có tâm lý tốt). Minh chứng điển hình nhất chính là đội tuyển Thái Lan và riêng cá nhân tiền đạo Adisak.
Ngay cả khi có lợi thế sân nhà nhưng họ vẫn chưa thực sự vượt qua được sự kỳ vọng để “giải phóng” những đôi chân. Bản thân Adisak (người từng có nhiều năm thi đấu ở đội trẻ và đội tuyển Thái Lan) cũng sút lên trời trong tình huống phạt đền ở những giây phút cuối cùng.
Tới đây, có thể giải thích phần nào việc những tuyển thủ Việt Nam thường chơi không tốt trong những trận đấu quan trọng ở sân Mỹ Đình. Vấn đề tâm lý luôn là điểm yếu lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua.
Đương nhiên, ai cũng hiểu, so với thế hệ đàn anh, thế hệ của Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Văn Đức… ở thời điểm này có tâm lý vững hơn rất nhiều. Họ sớm được tôi rèn bản lĩnh ngay từ khi còn rất trẻ, qua những giải đấu ở cấp độ trẻ. Chúng ta từng lọt vào bán kết giải U19 châu Á 2016 và lọt vào giải World Cup U20 2017. Thành công ấy được xem là tiền đề để chúng ta gặt hái thành công ở giải U23 châu Á 2018 hay Asiad 2018.
Nói cách khác, lứa cầu thủ hiện tại - những người mà báo giới nước ngoài gọi là “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam - đã chơi bóng cùng nhau và được tôi rèn bản lĩnh, quyết tâm thi đấu qua từng cấp độ.
Nhưng “cái dớp Mỹ Đình” vẫn còn ấy. Đây cũng là “ngọn lửa” để thử “chất vàng ròng” của thế hệ vàng đội tuyển Việt Nam. Còn nhớ, ở vòng bảng, các cầu thủ đã chơi trận đấu tuyệt hay trước Malaysia ở Mỹ Đình. Nhưng rõ ràng, tính chất của trận đấu thuộc vòng loại knock-out quan trọng hơn rất nhiều. Ở đó, mỗi sai lầm có thể ảnh hưởng lớn tới tâm lý của các cầu thủ và xa hơn là ảnh hưởng tới cục diện trận đấu.
Hơn nữa, Philippines hành quân tới sân Mỹ Đình khi đã ở thế chân tường. Họ sẽ chiến đấu với hơn cả 100% những gì có thể vì tấm vé đi tiếp.
Nếu không giữ được sự tỉnh táo trước sức ép trên khán đài và sức ép từ đối thủ dưới sân, đội tuyển Việt Nam có thể trả giá. Nhưng cá nhân người viết tin rằng, thế hệ học trò của thầy Park đủ tỉnh táo và bản lĩnh để vượt qua được sức ép khủng khiếp ấy. Thêm một trận đấu mà những tuyển thủ Việt Nam chứng minh họ đã thực sự “vươn mình”.