“Thực sự đáng tiếc khi HA Gia Lai phải thi đấu trên mặt sân xấu ở Lạch Tray. Sân xấu ảnh hưởng nhiều tới lối chơi kỹ thuật của chúng tôi, chưa kể các cầu thủ có thể bị chấn thương”, HLV Dương Minh Ninh nói sau trận HA Gia Lai hòa 1-1 trước Hải Phòng.
Thực tế những phát biểu của HLV Dương Minh Ninh là không hề quá lời. Khán giả truyền hình cả nước ngao ngán cái sân cỏ chuyên nghiệp Lạch Tray tệ hại hơn sân chơi của giới phủi. Mọi phương án chiến thuật và trình độ kỹ thuật có hay cỡ nào cũng không thể phát huy được dưới mặt sân mấp mô như thế.
Chính HLV Trương Việt Hoàng của Hải Phòng cũng phải thừa nhận điều này: “Quả thật mặt sân xấu là vì chúng tôi vừa thay mặt cỏ kim bằng cỏ khác có khả năng chống chịu tốt hơn với thời tiết. Hy vọng là thời gian tới mặt cỏ sân Lạch Tray sẽ được cải thiện”.
Chắc hẳn HLV Park Hang Seo ngồi trên khán đài VIP sân Lạch Tray và 21.000 khán giả cũng ngán ngẩm với mặt sân xấu xí làm hỏng bữa tiệc bóng đá. Nguy hiểm hơn, việc phải thi đấu dưới điều kiện không tốt như thế, các cầu thủ quan trọng có thể sẽ dính chấn thương.
Sự lo ngại ấy đã trở thành hiện thực với chấn thương đầu tiên của Tuấn Anh. Tiền vệ này chắc chắn sẽ không thể góp mặt trên đội tuyển Việt Nam ít ngày tới, dù ông Park rất thích mẫu cầu thủ như Tuấn Anh.
Trên sân Thanh Hóa ở vòng 2 Nuti Cafe V-League 2018, sau trận thua đội chủ nhà, HLV Miura cũng phàn nàn về chất lượng mặt sân: “Tôi rất vui vì được quay trở lại Việt Nam làm việc. Đây là nơi có những cổ động viên rất nhiệt tình. Tất cả đều quen thuộc. Tuy nhiên, tôi không hài lòng với kết quả trận đấu, mặt sân quá xấu và bàn thua cũng là điều đáng tiếc”.
Đây không phải là lần đầu tiên sân cỏ V-League bị chê. Tuy nhiên, hầu hết các đội bóng đều không tập trung cải tạo mặt sân một cách nghiêm túc.
Còn nhớ mùa trước, sân Hàng Đẫy đã phải đóng cửa, để thay mặt cỏ tới hơn 1 tỷ đồng, CLB Hà Nội buộc phải thuê sân Mỹ Đình để thi đấu ở V-League. Nhưng không phải đội bóng nào cũng làm được như Hà Nội, chủ yếu là làm theo kiểu chắp vá.