Nhiều năm trước, cầu thủ Thái Lan ồ ạt sang Việt Nam khoác áo các đội bóng thuộc V-League, vì thu nhập cao, vì khi đó Thai-League vắng khán giả, sức hấp dẫn và sức cạnh tranh kém.
Nay thì ngược lại, các đội bóng Thai-League mới đang là những đội chào giá cao để mời chào các cầu thủ từ V-League, giải Thai-League bây giờ mới là giải đấu giàu tính cạnh tranh hàng đầu Đông Nam Á, vươn tầm châu Á, trong khi V-League mấy năm gần đây không có sức hút và đang giảm đáng kể lượng người xem.
Mới đây, nhà tài trợ của V-League là Toyota không ký tiếp hợp đồng tài trợ cho giải đấu này, từ năm 2018. Được biết, gói tài trợ của Toyota cho 3 mùa giải V-League, từ 2015 – 2017 là vào khoảng 40 tỷ đồng/mùa (khoảng 1,76 triệu USD/mùa).
Ngưng tài trợ cho V-League, nhưng chính Toyota lại tăng tiền tài trợ cho Thai-League, từ 2018 – 2020, lên con số tổng cộng 19,76 triệu USD, tức là vào khoảng 6,6 triệu USD/mùa, cao gấp 3,75 lần mức tài trợ cho V-League.
Việc Toyota rút lui, không tiếp tục tài trợ cho V-League đặt ra thách thức lớn cho bộ máy mới của Hội đồng quản trị (HĐQT) VPF, những người sẽ phải gấp rút tìm nhà tài trợ mới cho giải V-League, trước khi giải đấu này trở lại vào đầu tháng 3 tới đây.
Ngoài ra, chuyện Toyota cắt tài trợ cho V-League, nhưng lại tăng tài trợ cho Thai-League phản ánh khá rõ sức sống, sức hấp dẫn và khả năng lôi kéo khán giả của 2 giải đấu, bởi các nhà tài trợ, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn rất nhạy bén trong việc dự đoán tốc độ phát triển của thị trường, của khả năng tiếp thị hình ảnh, nơi họ đổ tiền vào đầu tư.
V-League mấy năm trở lại đây có quá nhiều sự cố, trong khi sức hấp dẫn, tính cạnh tranh và tỷ lệ người xem lại tỷ lệ nghịch với các sự cố sân cỏ, nên giảm sức hút trong mắt nhà tài trợ.
Chuyện bạo lực tại V-League ở mùa giải vừa qua không những không giảm đi, mà còn có dấu hiệu được dung túng bởi chính những người làm công tác giữ gìn kỷ cương giải đấu.
Ví dụ như Ban trọng tài từng chế ra từ ngữ “vào bóng liều lĩnh” để lý giải cho hành vi chơi thô bào của tiền đạo Hoàng Vũ Samson (CLB Hà Nội) nhằm vào Châu Ngọc Quang (HA Gia Lai), hay trưởng Ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường cho rằng hành vi đánh chỏ vào mặt đối phương của tiền đạo Olaha (SL Nghệ An) là “không rõ ràng bạo lực”.
Mất khả năng kiểm soát các ban chức năng, điển hình là các Ban kỷ luật và Ban trọng tài, V-League ngày mất niềm tin nơi người hâm mộ, khiến cho giá trị của giải đấu trong mắt nhà tài trợ cũng xuống theo.
Thách thức dành cho bộ máy mới tại VPF trong thời gian trước mắt là khôi phục niềm tin của người hâm mộ, giúp V-League hấp dẫn hơn. Cải thiện được chất lượng của giải đấu, thuyết phục được người hâm mộ quay trở lại các sân bóng cũng là cách thiết thực nhất để đưa các nhà tài trợ cỡ lớn trở lại với V-League.