Vấn đề là không ít người làm bóng đá đã bỏ ngoài tai những phản biện về những nhược điểm của chính lứa cầu thủ U22 Việt Nam hiện có.
Rất nhiều người hô hào không ngán Thái Lan, nhưng để chỉ ra yếu tố nào giúp chúng ta không ngán đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á, yếu tố nào của lứa cầu thủ U22 Việt Nam hiện nay hơn Thái Lan thì không ai chỉ ra được?!
Thái độ dè chừng Thái Lan ở đây không phải là e ngại bóng đá Thái, mà đấy là sự tôn trọng cần thiết theo kiểu biết người biết ta, biết họ mạnh ở điểm nào và mình yếu ở điểm nào để tránh điểm mạnh của họ, che điểm yếu của mình khi giáp mặt, chứ không phải ngược lại.
Chính những người điều hành bóng đá nội ngộ nhận và ảo tưởng về chiến thắng tưng bừng của lứa Công Phượng và các đồng đội ở giải U19 Đông Nam Á, trước thế hệ hiện nay của bóng đá Thái Lan những 3 – 4 năm về trước.
Họ ngộ nhận đến mức mặc định rằng cứ hễ thắng đối phương ở các lứa tuổi trẻ thì có thể dễ dàng chiến thắng ở các lứa tuổi khác về sau, khi đôi bên cùng trưởng thành.
Thông điệp đó đầu tiên được phát đi từ chính VFF, từ quan điểm của quan chức hàng đầu VFF là phó chủ tịch tổ chức này, ông Đoàn Nguyên Đức.
Kỳ lạ thay, nếu bầu Đức đã lệch hướng trong việc định hướng dư luận, thì VFF phải điều chỉnh lại định hướng đấy, vì họ là cơ quan nắm định hướng của bóng đá nội.
Nhưng có cảm giác chính VFF cũng trông chờ vào sự thần kỳ từ thế hệ Công Phượng và các đồng đội, trước khi cũng mất phương hướng trong việc thẩm định chất lượng và vị trí thực sự của U22 Việt Nam so với mặt bằng bóng đá Đông Nam Á, so với Thái Lan.
Chúng tôi đã từng đề cập, cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam thiếu trầm trọng các luận chứng khoa học xung quanh các kết luận liên quan đến các đội tuyển quốc gia.
Ví dụ như khi sa thải HLV Miura, người ta bảo rằng do ông Miura không phù hợp, bất chấp bản thành tích ấn tượng mà ông này mang về cho bóng đá Việt Nam: HCĐ AFF Cup 2014, HCĐ SEA Games năm 2015, vào vòng knock-out Asiad 2014…
Những thành tích đấy có được ngay sau khoảng thời gian bóng đá Việt Nam chìm trong khủng hoảng, khi bị loại khỏi vòng bảng AFF Cup 2012, trắng tay ở các kỳ SEA Games năm 2011 và 2013.
Vội vã cắt hợp đồng với HLV Miura gần 2 năm trước, VFF tiếp tục vội vã bổ nhiệm HLV Nguyễn Hữu Thắng vào cương vị kế nhiệm vị HLV người Nhật, cũng chỉ với nhận định chung chung, rằng ông Thắng phù hợp với lối chơi mà đội tuyển muốn xây dựng.
Không nói rõ là phù hợp như thế nào? Cũng không rõ ở chỗ có phải là lối chơi rập khuôn từ trận nọ qua trận kia, từ giải này qua giải khác, bất chấp đối thủ là ai và bất chấp tính chất của từng trận đấu là lối chơi phù hợp hay chăng?
Ở cơ quan điều hành bóng đá nội, khi đưa ra các quan điểm, thậm chí các định hướng, người ta không dựa trên những thông số, những luận chứng khoa học, mà có cảm giác họ định hướng mang tính cảm tính.
Ví dụ như đánh giá lứa Công Phượng và các đồng đội là lứa tốt nhất nhiều năm nay, sẽ là ứng cử viên vô địch tại SEA Games 29, thì đã dựa trên thành tích cụ thể gì của lứa này hay chưa (tính ở các giải đấu chính thức)? Đã nghiên cứu hết về các đối thủ trong khu vực hay chưa?
Một bộ phận người hâm mộ ngộ nhận về trình độ của đội tuyển U22 Việt Nam còn có thể hiểu được, vì họ ít có điều kiện theo dõi bao quát chuyển động chung của bóng đá Đông Nam Á.
Bầu Đức ngộ nhận về trình độ thực của lứa Công Phượng và các đồng đội vẫn còn có thể hiểu được, vì nói cho cùng ông Đức là người cho ra lò lứa cầu thủ đấy, nên ông có lý do để bảo vệ sản phẩm do mình đào tạo.
Đằng này, cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam không giúp bầu Đức có cái nhìn toàn diện hơn, càng không định hướng lại cho toàn bộ làng cầu, cho chính bản thân Công Phượng và các đồng đội có cái nhìn chính xác hơn về bản thân đội bóng, về các đối thủ trong khu vực, và về vị trí thực của chúng ta, thì thất bại là điều khó tránh khỏi!