VFF: 'Không đầu tư bóng đá trẻ, đừng mơ được đá World Cup'

VFF: 'Không đầu tư bóng đá trẻ, đừng mơ được đá World Cup'

30-12-2017 17:30
Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn chia sẻ về chiến lược đầu tư cho bóng đá trong tương lai.

"Chúng ta phải đầu tư cho bóng đá trẻ, vì đây là yếu tố quyết định tương lai bóng đá Việt Nam", phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ. "Không có nền tảng bóng đá trẻ tốt, không thể mơ dự World Cup. Trước khi nghĩ tới đấu trường thế giới, bóng đá Việt Nam cần thường xuyên góp mặt ở vòng chung kết các giải trẻ châu Á".

2017 là năm thành công với bóng đá trẻ Việt Nam. Đội U20 lần đầu tiên trong lịch sự được dự vòng chung kết U20 World Cup. Bên cạnh đội tuyển nữ, tuyển nam và futsal, các đội trẻ U16, U19, U23 cũng giành quyền dự vòng chung kết châu Á.

Năm 2017 U20 Việt Nam lần đầu tiên được dự vòng chung kết U20 World Cup.

 

"Kinh tế khó khăn, nhưng VFF cũng đã sớm hoàn tất việc chuẩn bị cho sáu đội đi tập huấn nước ngoài và dự giải. Tuyển nữ sẽ tập huấn tại Đức, có hai trận giao hữu với Bayern Munich và Hoffenheim trước khi bay đi Jordan dự vòng chung kết châu Á. Đội U16 và U19 sẽ tập huấn tại Nhật Bản, đá với các đội cùng lứa tuổi của các CLB tại J-League", ông Trần Quốc Tuấn cho biết thêm.

Việc có sáu đội cùng giành vé đi vòng chung kết tiêu tốn khoảng 70 tỷ đồng. Đây là bài toán kinh tế với VFF khi tổ chức này chỉ được nhà nước "rót" không tới 20 tỷ đồng.

Bên cạnh việc đầu tư cho bóng đá trẻ, VFF phải lo cân bằng lợi ích giữa V-League và các đội tuyển quốc gia.

“Các đội ở V-League muốn tăng số lượng ngoại binh. Đó cũng là yêu cầu hợp lý bởi điều đó giúp họ nâng cao chuyên môn, có hình ảnh và thành tích tốt hơn. Tuy nhiên, nếu như vậy, chỗ cho các cầu thủ nội sẽ ít đi, ảnh hưởng tới các đội tuyển. Chúng ta cần tính toán cân bằng, chuyện nhiều quốc gia có giải VĐQG phát triển nhưng đội tuyển yếu không phải ít, điển hình là Trung Quốc”, ông Trần Quốc Tuấn cho hay.

Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết đầu tư cho bóng đá trẻ là vấn đề cốt lõi.

 

Trung Quốc thời gian qua đổ tiền phát triển bóng đá, hàng loạt thương vụ bom tấn như Hulk, Oscar, Tevez, Lavezzi... được thực hiện khiến Super League của họ nổi tiếng. Tuy nhiên, thành tích của các đội tuyển của Trung Quốc lại đi xuống, liên tục phải dừng bước sớm ở các giải trẻ.

Ông Tuấn cho biết thêm VFF cũng đang tìm cách cùng các CLB lôi kéo khán giả tới sân. Tuy nhiên, đây là bài toán nan giải khi thời đại công nghệ phát triển, nhiều CĐV chọn cách ở nhà xem trực tiếp. Thêm nữa, các hình thức giải trí hiện tại nhiều, cơ sở vật chất các đội chưa cao.

"Tình hình khán giả tới sân sụt giảm là vấn đề chung. Các giải đấu của Malaysia, Singapore, thậm chí là Thái Lan cũng đang có lượng người xem thấp. Thai-League nhiều trận đông, nhưng trung bình cũng chỉ 5.000 người mỗi trận. Vấn đề của bóng đá Việt Nam là cơ sở vật chất chưa đạt.

Các sân đấu của chúng ta cũng không có các hình thức giải trí đi kèm như ở Nhật Bản hay Hàn Quốc. VFF và các đội bóng cũng đang vận động tìm cách cải thiện”, phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF bày tỏ.

Trần Sơn
Tin tức mới nhất