Liverpool và MU chính là hai CLB vĩ đại nhất nước Anh. Mặc dù vậy, trong nhiều năm qua, những người Liverpool luôn sống dưới sự dè bỉu của CĐV MU bởi không gặt hái được thành công trong thời gian dài, nhất là sau khi MU vượt qua Liverpool trở thành CLB vô địch bóng đá Anh nhiều nhất.
Từng có giai đoạn, Liverpool sống trong vùng tăm tối. Cú trượt chân định mệnh của Gerrard đã lấy đi chức vô địch Premier League (mùa giải 2013/14) mà họ vẫn luôn mơ ước. Thế nhưng, lúc này, Liverpool đã vươn lên trở thành thế lực rất lớn, đủ sức cạnh tranh chức vô địch Premier League. Còn MU, họ vẫn sống trong những tháng ngày “mộng du” kể từ sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu.
Đôi khi “kẻ thù” lại là người thầy tốt nhất trong cuộc sống. Sự vươn lên của đại kình địch lớn nhất của Liverpool là điều mà MU cần phải học hỏi. Hệ thống phân cấp do tập đoàn Fenway Sports Group điều hành ở Liverpool rõ ràng tốt hơn rất nhiều so với MU ở thời điểm này.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai đội nằm ở vị trí Giám đốc thể thao. Với tài năng của Michael Edwards, Liverpool đã xây dựng có định hướng và có được thành công trên thị trường chuyển nhượng.
Những vị trí mà Liverpool chiêu mộ trong những năm qua như Andy Robertson, Earnbio Wijnaldum, Xherdan Shaqiri, Van Dijk, Alisson đều có tầm ảnh hưởng không nhỏ tới thành công của Liverpool. Ngay cả bộ ba Sadio Mane, Mohamed Salah và Roberto Firmino cũng có giá dưới 100 triệu bảng. Công việc huấn luyện được trao cho HLV Jurgen Klopp, người đã dẫn dắt CLB trong những năm gần đây.
Do đó, Liverpool luôn bù đắp được những thiếu hụt trong đội hình, mà không mất quá nhiều tiền bạc để xây dựng lại. Đơn cử như mùa giải trước, vị trí thủ môn được xem là yếu nhất ở Liverpool nay đã được “lấp chỗ trống” bởi Alisson. Hay hàng thủ cũng được gia cố bằng bản hợp đồng chất lượng Van Dijk.
Trong khi đó, rõ ràng, MU thiếu tính định hướng hơn rất nhiều. Người phụ trách vấn đề chuyển nhượng của MU là phó Chủ tịch Ed Woodward nhưng ông vốn là chuyên gia kinh tế, chứ không có nhiều chuyên môn về bóng đá.
MU thay HLV liên tục trong những năm qua. Kéo theo đó, họ cũng thay đổi cả hệ thống cầu thủ. Nhiều bản hợp đồng lớn đã thất bại và bị bán ngay sau đó. Thay thế cũng là những ngôi sao khác để hợp ý HLV trưởng. Con thuyền MU cứ đi chệch hướng như vậy.
Đương nhiên, HLV Solskjaer cũng sẽ lại “cải tổ” đội bóng theo cách của riêng mình. Khi mới tới MU, ông đã thực hiện một vài thay đổi. Solsa nhận thấy vấn đề thể lực của MU dưới thời Mourinho khá yếu. Do đó, ông đã tích cực nhồi thể lực cho các cầu thủ trong thời gian tháng 12 và tháng 1.
Hiệu quả đã thấy được ở thời gian đầu khi MU chơi bóng có sinh khí hơn. Nhưng khi thi đấu ở chặng đường dài, nhiều trụ cột của MU đã lộ rõ vấn đề quá tải. Trong thời gian qua, giới chuyên môn và ngay cả HLV Solskjaer cũng lên tiếng chỉ trích các học trò “có vấn đề” về thái độ. Dù vậy, ở góc độ nào đó, họ đã chạy không biết mệt mỏi trong thời gian qua.
Paul Pogba đã tỏa sáng rực rỡ trong giai đoạn đầu dưới thời HLV Solskjaer nhưng sau đó, anh cũng hụt hơi dần. Tương tự là Matic. Cầu thủ này bắt đầu dính chấn thương và không theo kịp những pha bóng diễn ra với tốc độ cao trên sân.
Có thể trong mùa Hè tới, HLV Solskjaer sẽ lại vung tiền chiêu mộ lực lượng. Nhưng đó chỉ là giải pháp ngắn hạn và có thể thất bại như những người tiền nhiệm. Vấn đề ở chỗ, MU cần cải tổ từ gốc rễ vấn đề.
Có tin, MU bắt đầu tính tới chuyện bổ nhiệm trợ lý Mike Phelan lên làm Giám đốc thể thao. Đây là bước đi đúng đắn bởi Mike Phelan đã làm công việc trợ lý cho nhiều HLV MU, trong đó có cả Sir Alex Ferguson. Dù không đảm nhận liên tục công việc này nhưng Mike Phelan vẫn có cái nhiều xuyên suốt và so sánh từng triều đại HLV MU.
Đây là lúc mà MU cần phải “vận động theo thời gian”, chứ không thể đứng yên để ngắm thành công trong quá khứ. Sir Alex Ferguson đã đảm nhận rất tốt đồng thời công việc của nhà quản lý. Nhưng trong guồng quay của bóng đá hiện đại, MU cần thay đổi, giống như cái cách mà Liverpool rũ bùn đứng dậy.