Cụ thể, báo chí Thái Lan thông tin Liên đoàn bóng đá Thái (FAT) chỉ tốn 1,5 triệu baht (khoảng 1 tỷ đồng) cho HLV Milovan Rajevac và 3 trợ lý người nước ngoài của ông này.
Cứ cho rằng vị HLV người Serbia của đội tuyển Thái Lan lãnh khoảng 50 – 70% số tiền 1 tỷ đồng/tháng dành cho nhóm 4 người vừa nêu, mà ông là HLV trưởng, thì mức lương thực lãnh của HLV Rajevac cũng chỉ vào khoảng 500 – 700 triệu đồng/tháng.
Con số này là khá thấp đối với một HLV có tên tuổi, có thành tích quốc tế (vào tứ kết World Cup 2010, Á quân châu Phi năm 2010 cùng đội tuyển Ghana) như ông Rajevac.
Con số này hoá ra cũng chỉ ngang với người đồng nhiệm Park Hang Seo vừa mới ký hợp đồng với VFF. Ông Park Hang Seo nhận lương khoảng 22.000 USD/tháng, tức khoảng 500 triệu đồng/tháng cho 2 năm nắm đội tuyển Việt Nam.
Lãnh lương ngang nhau nhưng đẳng cấp của 2 vị HLV khác hẳn nhau, mục tiêu của HLV Rajevac với bóng đá Thái Lan và mục tiêu của HLV Park Hang Seo cũng xa nhau một trời một vực.
Ông Rajevac có nhiệm vụ phải nâng tầm đội tuyển Thái Lan, đưa đội nào vào nhóm có trình độ hàng đâu châu lục, đồng thời phải giúp Thái Lan có vé dự VCK World Cup 2022. Ngược lại, ông Park Hang Seo trong ngày ra mắt với tư cách HLV trưởng đội tuyển Việt Nam chỉ tuyên bố chung chung: “Đưa đội tuyển Việt Nam vào top 100 thế giới”.
Mục tiêu của HLV Park Hang Seo vừa mơ hồ, vừa chẳng khác nào… phú quý giật lùi, vì từ 19 năm trước, đội tuyển Việt Nam từng có lúc đứng hạng 84 thế giới, đồng thời vị trí này vị trí kia trên bảng xếp hạng FIFA với giới bóng đá nói chung không giá trị bằng thành tích ở các giải đấu quốc tế.
Để có được vị trí ở ghế HLV đội tuyển Thái Lan, ông Rajevac đã vượt qua hàng loạt ứng cử viên tên tuổi như Frank Rijkaard, Zico, Dunga… Và để chạy đua vào vị trí đang ngồi, HLV Rajevac phải thuyết phục Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) bằng định hướng và bằng con đường đi của mình một cách chi tiết.
Ông Rajevac phải bay đi bay về Thái Lan mấy lần, phải đúc kết được bản chất của các đội bóng đất Chùa Vàng đó là thích chơi tấn công, nhưng khả năng phòng ngự không tương xứng, nên khi đá với các đội tầm châu lục thì dễ thua.
Vị HLV người Serbia cũng phải vạch lộ trình thay đổi điểm yếu đấy của bóng đá Thái Lan, cũng như thuyết phục FAT về một mức lương vừa phải, để có thể chiến thắng các ứng cử viên nặng ký vừa nêu.
FAT cũng chỉ đồng ý với HLV Rajevac sau khi bộ kỹ thuật, bộ phận chuyên môn của FAT thẩm định bản kế hoạch của ông này khá kỹ. Họ chỉ đồng ý để HLV Rajevac làm HLV đội tuyển Thái Lan trong trường hợp vị HLV người Serbia bắt đầu với mức lương vừa phải, rồi khi nào có thành tích hoặc làm được việc thì đôi bên mới đàm phán tăng lương.
HLV Park Hang Seo đến với ghế HLV đội tuyển Việt Nam đơn giản hơn nhiều. Đầu tiên, VFF nhận hồ sơ từ nhà môi giới. Tiếp đến một nhóm nhỏ với vài lãnh đạo VFF bay sang Hàn Quốc, đàm phán với vị HLV đang nắm một CLB hạng 3 của xứ Hàn, rồi thông báo tiếp sẽ có buổi ký hợp đồng chính thức tại Việt Nam sau đó không lâu.
Quá trình đàm phán của VFF với HLV Park Hang Seo bất ngờ đến mức mà một uỷ viên trong Ban chấp hành (BCH) VFF cho hay, nếu như không có tấm hình chụp các lãnh đạo VFF ngồi chung bàn với ông Park, và nếu như báo chí Hàn Quốc không thông tin ngay sau buổi đàm phán vừa nêu, thì vị uỷ viên này và nhiều người khác trong BCH VFF có khi còn chưa nắm được sự việc.
Bóng đá Việt Nam chưa giàu bằng bóng đá Thái Lan nhưng xài sang quá! Quá trình thẩm định chất lượng các ứng viên cho vị trí HLV của đội tuyển quốc gia trong bóng đá Việt Nam cũng đơn giản quá!