Như đã từng đề cập, các trận đấu của đội tuyển U22 Việt Nam tại Hàn Quốc không hề khó, nếu không muốn nói rằng đối thủ khá yếu, lại thiếu quyết tâm (như Mokpo xin đá sớm với U22 Việt Nam để kịp… về thăm nhà). Thế nhưng, trước các đối thủ yếu như thế mà U22 Việt Nam trận nào cũng để thủng lưới thì không ổn.
Đành rằng ở những trận đấu mà chúng ta ghi nhiều bàn thắng, tuyến dưới có thể thiếu tập trung. Đành rằng ở các trận đấu tập, sự tập trung không bao giờ bằng ở các trận đấu chính thức, nhưng việc thi đấu liên tiếp với nhiều đối thủ yếu như thời gian qua, mà đội tuyển U22 Việt Nam vẫn thường xuyên bị thủng lưới, có thể khẳng định hàng thủ hiện không an toàn.
Ngoài 2 trận đấu tập nêu trên, với Mokpo và Busan tại Hàn Quốc, U22 Việt Nam còn có 2 trận đấu khác với những đối thủ rất yếu, trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 29, đó là trận gặp Đông Timor và Macau (Trung Quốc) tại vòng loại U23 châu Á hồi cuối tháng 7.
Trong đó, trận đấu với Macau, đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng để thủng lưới 1 bàn, còn trận gặp Đông Timor, tuy không thua bàn nào, nhưng thực tế U22 Việt Nam coi như bất lực trong việc ngăn đối phương ghi bàn, bởi nếu không có… vũng nước ngăn bàn thắng của Đông Timor ở đầu trận, thì U22 Việt Nam đã bị Đông Timor chọc thủng lưới.
Đá 4 trận với 4 đối thủ rất yếu, thì 3/4 trận không giữ trắng được mành lưới, trận còn lại nhờ mưa mới giữ sạch lưới nhà. Nếu tính luôn 2 trận đấu với U22 Hàn Quốc tại vòng loại châu Á và trận giao hữu gặp Các ngôi sao K-League, U22 Việt Nam đá 6 trận để thua 5 bàn, trước 5 đối thủ hoặc rất yếu, hoặc không nghiêm túc (Các ngôi sao K-League).
Có lẽ HLV Nguyễn Hữu Thắng đã không còn đủ thời gian để sửa chữa các nhược điểm của hàng thủ nữa rồi, vì nếu các vị trí ở hàng thủ giới hạn về mặt năng lực, thì có sửa thêm bao nhiêu nữa họ vẫn không thể khá hơn về mặt năng lực.
Thành ra, lấy công bù thủ là điều mà có lẽ U22 Việt Nam sẽ hướng tới. Hàng công của đội tuyển đang có chất lượng tốt, với những con người có chuyên môn tốt. Trong 1 ngày đạt phong độ cao, có thể hàng tấn công của U22 Việt Nam có khả năng xé toang mọi hàng phòng ngự.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ SEA Games không phải là giải đấu chỉ gói gọn trong 1 ngày. Nếu loại trừ đi những trận đấu với các đối thủ dưới cơ dạng Campuchia, Philippines hay Đông Timor tại vòng bảng, U22 Việt Nam vẫn còn ít nhất 3 trận trong 3 ngày khác nhau phải chiến đấu ở thế một mất một còn.
Đó là trận tranh vé vào bán kết (hoặc với Indonesia, hoặc với Thái Lan), trận bán kết và trận chung kết. Đấy là những trận đấu mà chỉ cần một sai lầm trong phòng ngự, chúng ta sẽ phải trả giá và hàng tấn công phải làm việc miệt mài mới có thể sửa chữa sai lầm đấy.
Và đâu ai dám chắc lúc nào, trận nào hàng tấn công hoặc tất cả các ngôi sao trên hàng tấn công đều đạt phong độ cao! Như đã nói, hàng tấn công có thể khoang thủng mọi hàng phòng ngự vào những ngày đẹp trời. Tuy nhiên, lấy gì đảm bảo ngày nào cũng là ngày đẹp trời với Công Phượng và các đồng đội?!