Hiện, có khá nhiều ứng cử viên ngoại nộp hồ sơ ứng tuyển cho vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi ứng viên đều có những hạn chế khác nhau, khiến cho họ khó đáp ứng được yêu cầu của VFF.
Báo chí nước ngoài đề xuất HLV Alfred Riedl cho ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Ông Riedl hiện cũng đang rỗi việc, hiểu rất rõ bóng đá Đông Nam Á nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng. Vị HLV người Áo cũng đòi mức lương không cao, phù hợp với khả năng tài chính của VFF.
Tuy nhiên, hạn chế của ông Riedl là ông khá lớn tuổi, lại chưa chắc có thể mang đến điều gì mới mẻ cho bóng đá Việt Nam, nếu ông thêm một lần nữa quay lại với cương vị HLV trưởng các đội tuyển.
Lần gần nhất HLV Riedl chia tay bóng đá Việt Nam khi SEA Games năm 2007 đang diễn ra giữa chừng (ông nghỉ sau thất bại tại bán kết giải này, và trợ lý Trần Văn Khánh khi đó tạm quyền nắm đội ở Korat Ratchashima – Thái Lan) cũng không mấy êm đẹp.
Nên nếu HLV Riedl trở lại nắm đội tuyển, chưa chắc được dư luận ủng hộ.
Ứng cử viên ngoại khác là HLV Winfried Schafer (người Đức) có bản lý lịch đẹp hơn nhiều. Xét về đẳng cấp, ông Schafer có đẳng cấp cao hơn HLV Alfred Riedl một bậc, khi từng dẫn dắt đội tuyển Cameroon tại World Cup 2002, cũng như giúp đội này vô địch châu Phi cùng năm.
Tuy nhiên, trở ngại đối với HLV Schafer là mức lương mà ông này đặt ra quá cao so với khả năng tài chính của VFF (gần 40.000 USD/tháng, gấp 4 lần lương của 2 HLV gần nhất là Miura – 10.000 USD/tháng và Hữu Thắng – 200 triệu đồng/tháng). Vả lại, ông Schafer không am hiểu bóng đá Đông Nam Á.
Đấy cũng chính là lý do mà cách nay ít lâu, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đã từ chối ứng cử viên này, mà chọn HLV Milovan Rajevic kế nhiệm Kiatisuk.
Nhân vật khác được nhắc đến nhiều là cựu HLV đội tuyển Thái Lan Kiatisuk. “Zico Thái” từng làm việc cùng bóng đá Việt Nam cho CLB HA Gia Lai, nên vị HLV này sẽ không mấy khó khăn trong việc hoà nhập.
Lợi thế khác mà VFF có thể mời Kiatisuk ở chỗ sếp cũ của Kiatisuk là bầu Đức, vốn vẫn đang là phó chủ tịch VFF, từng tuyên bố ông có thể gọi “Zico Thái” trở về Việt Nam bất cứ lúc nào ông muốn.
Tuy nhiên, Kiatisuk không mặn mà với việc trở thành HLV đội tuyển Việt Nam. Sau khi chia tay đội tuyển Thái Lan, thần tượng số 1 của bóng đá xứ Chùa Vàng từng tuyên bố ông thà làm ở các đội trẻ trong nước,
hoặc các CLB trong nước, chứ không muốn ra nước ngoài vào lúc này, dù nhận được một số lời đề nghị hấp dẫn từ bên ngoài biên giới Thái Lan.
Về mức lương, Kiatisuk cũng không muốn nhận lương thấp (Kiatisuk từng nhận 1,3 tỷ đồng/tháng khi dẫn dắt đội tuyển Thái Lan). Nên với một HLV Đông Nam Á như vậy, cùng điều kiện lương cao gấp mấy lần lương của các HLV nội và ngoại từng làm việc tại Việt Nam, thì nếu VFF thuê Kiatisuk có lẽ là hơi phí.
Về phía các HLV nội, người đang tạm nắm đội tuyển là HLV Mai Đức Chung không phải là HLV tồi. Ông Chung cũng ngỏ ý muốn được dẫn dắt tuyển quốc gia nam. Tuy nhiên, tuổi tác quá cao có lẽ không cho phép ông Chung chịu áp lực lớn nếu làm HLV đội tuyển quốc gia.
Chưa hết, nếu VFF giao đội tuyển quốc gia nam cho HLV Mai Đức Chung thì cũng đồng nghĩa với việc họ phải tìm HLV mới cho đội tuyển nữ. Thành ra, cách tốt nhất là VFF sẽ giữ HLV nguyên tại chỗ, tức là chỉ dùng ông Chung như phương án “chữa cháy”, đồng thời để ông này tiếp tục làm HLV đội tuyển nữ.
Nâng lên đặt xuống, đương kiêm GĐKT Jurgen Gede là ứng cử viên sáng giá nhất vào lúc này. Ông Gede vừa hiểu bóng đá Việt Nam, vừa không đòi hỏi cao về lương, vừa có mác chuyên gia ngoại, nói chung đáp ứng những điều kiện quan trọng nhất mà VFF đặt ra.
Vả lại, nếu chọn ông Jurgen Gede làm HLV, VFF sẽ không cần phải tìm ở đâu cho xa xôi, không mất nhiều thời gian tái cấu trúc lại các đội tuyển.
Về phía VFF, PCT Trần Quốc Tuấn cho biết: “việc VFF có mời ông Gede làm HLV trưởng hay không chúng tôi không trả lời vào lúc này. Có thể chúng tôi sẽ đặt vấn đề sau khi ông Gede trở về từ giải U18 Đông Nam Á”.
“Hiệu quả bóng đá trẻ thay đổi nhất định so với khi chúng ta không có GĐKT Gede” – vị PCT VFF nói thêm.