1. Argentina bước vào cuộc chiến với Pháp, trận thứ 15 mà Jorge Sampaoli dẫn dắt đội tuyển xanh - trắng, bằng một đội hình lạ lẫm. Một sự lạ lẫm so với chính họ.
Theo đó, Argentina xuất phát với hệ thống 4-3-3 mà không có trung phong đích thực. HLV Sampaoli đã chọn giải pháp sử dụng Lionel Messi trong vai trò “số 9 ảo”.
Giai đoạn đỉnh cao của Messi, với những giá trị tốt nhất, là “số 9 ảo”. Pep Guardiola là người đã “phát minh” ra vai trò này của Leo, khi trước đó anh chỉ quen đá tiền đạo phải - trong giai đoạn của Frank Rijkaard.
Năm 2012, Messi đã ghi đến 91 bàn thắng cho Barca và ĐTQG Argentina, một kỷ lục. Mùa giải 2011-12, anh cũng lập kỷ lục khác với 73 bàn cho Barca trên mọi mặt trận (50 bàn ở La Liga).
Javier Mascherano là người đã tác động đến Sampaoli, trong buổi tập chính 1 ngày trước trận đấu.
Chính xác hơn, Mascherano - được xem là quyền đen lực lớn nhất trong đội tuyển, yêu cầu Sampaoli phải thực hiện đề xuất của anh.
Mascherano cho rằng phải dùng Messi như Pep Guardiola đã sử dụng. Cựu tiền vệ Barca nhấn mạnh đến việc phải làm cho Messi thoải mái và vui vẻ nhất.
Pep từng nhấn mạnh từng chữ một, và Mascherano hiểu rõ điều đó hơn bất kỳ ai: “công thức chiến thắng duy nhất là làm cho Messi hạnh phúc. Khi Messi không hạnh phúc, nhiệm vụ của HLV là làm cho cậu ấy hạnh phúc”.
2. Hệ thống chiến thuật mà Mascherano chỉ đạo đã vận hành rất tệ.
Trong suốt 40 phút đầu hiệp 1, Argentina không thể chơi bóng. 3 tuyến của đội tuyển xứ tango rời rạc, thiếu sự kết dính. Messi quá đơn độc, và không có nhiều bóng khi bị Kante kiểm soát hoàn toàn.
Phía bên kia, hàng thủ Argentina tan nát bởi Mbappe - một chú nhóc 19 tuổi. Mascherano phạm lỗi với Mbappe, dẫn đến cú sút phạt trực tiếp chạm xà ngang của Griezmann.
Sau đó, Maros Rojo chèn ngã tài năng đang khoác áo PSG, để Griezmann mở tỷ số trên chấm phạt đền.
Một thế trận mà Pháp chủ động hơn rất nhiều, trong khi những pha lên bóng của Argentina đều bị hóa giải một cách dễ dàng.
Argentina không làm được gì, cho đến khi Di Maria có pha sút xa xuất thần. Một cú sút không thể cản phá từ gần 30 mét, gợi nhớ giai đoạn đỉnh cao của anh ở Real Madrid, trước khi sự nghiệp đi xuống vì chuyển sang MU mùa Hè 2014.
Bàn thắng của Di Maria, trong thế trận mà Argentina không thể cầm bóng, đã giải tỏa áp lực cho đội bóng Nam Mỹ. Tinh thần của các cầu thủ áo xanh - trắng được khích lệ, trong khi tâm lý thoải mái hơn.
Hiệu ứng từ bàn thắng của Di Maria đã giúp Argentina nâng tỷ số lên 2-1 ngay đầu hiệp hai. Một bàn thắng khá may mắn, khi Messi tung cú sút trúng chân trung vệ Mercado bay vào lưới.
3. Nhưng tất cả chỉ có thế. Trong một trận đấu 90 phút, không thể chiến thắng chỉ nhờ một hiệu ứng nhất thời.
Như đã đề cập, Argentina không thể chơi bóng, trước một đối thủ tổ chức thế trận tốt hơn. Pháp thi đấu rất bình tĩnh dù thủng lưới, chậm rãi tổ chức các pha lên bóng từ hai cánh lẫn trung lộ.
Kiểm soát cuộc chơi, Pháp tìm được bàn gỡ từ siêu phẩm của hậu vệ phải Pavard. Một bàn thắng xứng đáng để xem đi xem lại nhiều lần, ở nhiều kỳ World Cup trong tương lai.
Sau Pavard là Mbappe. Chàng trai ấy đã bị đối phương hành xử thô bạo, với những pha đá rất xấu. Anh đáp trả bằng một pha xử lý và ghi bàn đẳng cấp.
Cũng chính Mbappe đã có một bàn thắng tuyệt đẹp khác, giúp Les Bleus dẫn 4-2 trước khi anh rời sân.
Argentina bất lực trước một tuyển Pháp vượt trội về tinh thần và cách chơi bóng. Cú đánh đầu thành bàn của Aguero chỉ khiến cho giấc mơ của người Argentina thêm bi kịch hơn.
Messi cô đơn kể cả khi đội hình được xây dựng để phục vụ anh.
Rõ ràng, La Albiceleste không phải là Barca để có thể giúp Leo hạnh phúc như Pep Guardiola đã nói.
Chia tay và đừng bao giờ trở lại nữa, Messi!