Lời hứa của bầu Đức và giấc mộng của bóng đá Việt Nam

Lời hứa của bầu Đức và giấc mộng của bóng đá Việt Nam

26-08-2017 10:00
Trận thua nặng nề 0-3 trước Thái Lan khiến U22 Việt Nam tan giấc mộng vàng SEA Games 29. Lứa Công Phượng, Xuân Trường đã không thể hoàn tất giấc mơ đó và bầu Đức đã không thực hiện được lời hứa lúc ông tuyên bố khi đuổi HLV Miura.

Sự kỳ vọng người hâm mộ đặt vào môn bóng đá nam luôn rất lớn và có những thời điểm, chúng ta đã có thể hy vọng. Chưa khi nào, bóng đá Việt Nam có lứa cầu thủ tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn và được nhận định là trên tầm người Thái.

Quan điểm đó là có cơ sở khi ở tuổi 19, lứa Công Phượng đã từng hạ Thái Lan ở giải Đông Nam Á. U22 Việt Nam còn bổ sung thêm nhiều ngôi sao U20 từng dự World Cup như Quang Hải, Văn Hậu nên niềm tin càng được củng cố, khiến báo chí Đông Nam Á đánh giá rất cao thầy trò HLV Hữu Thắng tại SEA Games.

Công Phượng và đồng đội tan vỡ giấc mộng HCV SEA Games 29

 

U22 Việt Nam cũng đã nhập cuộc tưng bừng ở 3 trận đầu vòng bảng, thắng cả Đông Timor, Campuchia, Phillipines, đạt hiệu số 12-1. Chúng ta còn chơi trên cơ Indonesia rất nhiều và chỉ thiếu may mắn khi đạt kết quả hòa. Tiếc rằng trong bóng đá, đôi khi số phận lại được quyết định bởi một trận đấu, hay một khoảnh khắc.

Tuấn Tài đã có thể thành người hùng chứ không phải tội đồ nếu hai cú sút trước Indonesia và Thái Lan thành bàn thắng thay vì xà ngang. Khi đó số phận của U22 Việt Nam đã khác và bị kịch trước Thái Lan đã không xảy ra sau những sai lầm lãng xẹt của Phí Minh Long.

Xét một cách công bằng, U22 Việt Nam đã có những thời điểm để lại dấu ấn trên đất Malaysia, không chỉ 3 trận thắng gặp đối thủ yếu. Thầy trò HLV Hữu Thắng cũng đã phô diễn lối chơi tấn công đẹp mắt, quyến rũ, áp đảo các đối thủ và được báo chí nước ngoài ngợi khen.

Nhưng chính vì những lời ngợi khen đó, sự ảo tưởng đã đến và chúng ta đã nhận những bài học nhớ đời. Sự sơ đẳng của Phí Minh Long, tâm trạng sợ hãi khi đối diện người Thái và thiếu bản lĩnh trong những trận cầu quyết, khiến U22 Việt Nam trở nên quá tầm thường.

U22 Thái Lan có thể không mạnh như các giải đấu trước hay với những cầu thủ đó, họ đã thua chúng ta cách đây 3 năm ở lứa tuổi 19. Nhưng SEA Games là cuộc chơi hoàn toàn khác, ngoài trình độ cá nhân thì nền tảng tập thể, sự lỳ lợm và cái đầu của cầu thủ đến từ nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn, là yếu tố quyết định.

Sự ung dung của người Thái trong cách họ thắng U22 Việt Nam, cho thấy cái chất của một nền bóng đá vươn ra tầm cỡ châu Á. Đó là điều mà bóng đá Việt Nam phải học hỏi rất nhiều, thay vì tự mãn bản thân về lứa cầu thủ tài danh, được tung hô quá đà khi gặp đội bóng yếu.

Những thay đổi của bóng đá Việt Nam chịu sự chi phối của bầu Đức, với tuyên bố “đuổi Miura đi, đội tuyển để tôi lo” cùng lời hứa sẽ mang về tấm HCV SEA Games với lứa cầu thủ HA Gia Lai. Sự hiện diện của HLV Hữu Thắng nằm trong kế hoạch đó và chiến lược gia xứ Nghệ đã xây dựng đội bóng theo khung HA Gia Lai với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Huy, Văn Toàn, Văn Thanh.

Thời U19 của HLV Graechen, cặp Tuấn Anh-Xuân Trường ở giữa sân mang đến lối chơi uyển chuyển và quyến rũ, đã thành công. Nhưng U22 là sân chơi hoàn toàn khác, nó cần sự thực dụng, chặt chẽ và chính HLV Hữu Thắng cũng hiểu điều đó khi Duy Mạnh luôn có suất đá chính, còn Tuấn Anh và Xuân Trường chỉ thay phiên nhau.

 

HLV Hữu Thắng nghẹn ngào trong ngày U22 Việt Nam thất trận và nhận toàn bộ trách nhiệm về mình

 

Nhưng khi Duy Mạnh chấn thương, tử huyệt phòng ngự từ xa với cặp Tuấn Anh-Xuân Trường đã khiến tuyến giữa U22 Việt Nam bị bóp nghẹp trước người Thái. Kèm theo đó là sự mong manh ở hàng thủ không hề được chú trọng, điều chưa từng xảy ra với một HLV coi sự chắc chắn hàng phòng ngự là ưu tiên hàng đầu như Miura.

Bóng đá Việt Nam đã chia tay Miura, người có công vực dậy bóng đá Việt Nam từ đống đổ nát năm 2013 và hoàn tất mục tiêu có mặt ở bán kết. Người thay thế Hữu Thắng còn gây thất vọng hơn khi lứa cầu thủ được coi là xuất sắc nhất khu vực, lại dừng bước ngay từ vòng bảng SEA Games 29.

HLV Hữu Thắng có thể đã mắc những sai lầm nhất định, nhưng ông không phải là cái gốc dẫn đến thất bại tồi tệ. Chính sức ép từ cấp trên với việc “phải thắng đẹp” với lứa Công Phượng đã khiến ông mất phương hướng. Và chính bản lĩnh kém của cầu thủ, nền tảng hạn chế của nền bóng đá là điều mà Việt Nam chưa bao giờ đạt đến chất của người Thái.

Áp lực lớn khiến HLV Hữu Thắng xin từ chức và đó là kết quả tất yếu vì những kết quả tệ hơn nhiều so với mục tiêu lớn mà bầu Đức vạch ra. Nhưng tương lai sắp tới của bóng đá Việt Nam liệu có sáng sủa hơn, hay bi kịch này sẽ mãi tồn tại ở các giải đấu lớn, khi cái chất và cái tầm của chúng ta chẳng bao giờ đạt đến tầm cỡ châu Á như bóng đá Thái Lan.

Nguyễn Hoàng
Tin tức mới nhất