Mà không chỉ có ở Đông Nam Á, những ai theo dõi giải Serie A của Italia mùa này sẽ thấy có sự thay đổi lớn, về chất lượng các đội bóng tham dự giải, cho đến luật và điều lệ giải đấu. Với mục đích chính là tăng tính hấp dẫn của giải, thu hút khán giả trở lại với các sân bóng, vốn có dấu hiệu sa sút trong vài năm trở lại đây.
Bóng đá Italia dĩ nhiên vẫn không hề yếu so với mặt bằng chung của nhóm đầu thế giới, nhưng để đạt đến thành công đến tận cùng như Tây Ban Nha hay Đức đã làm được trong nhiều năm trở lại đây, thì người Italia mấy năm qua vẫn còn thiếu.
Điều đó đặt ra yêu cầu họ phải cải tổ mạnh giải quốc nội, hòng tìm lại vị thế của nền bóng đá từng 4 lần vô địch thế giới và 1 lần vô địch châu Âu.
Quay trở lại với các quốc gia lân cận Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia không phải không có lúc khủng hoảng về mặt chất lượng các đội tuyển. Và điểm chung là các nền bóng đá này đều phải gấp rút cải tổ chất lượng giải quốc nội.
Thái Lan giai đoạn năm 2008 trở về trước là một ví dụ điển hình: Họ để mất ngôi vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) về tay Việt Nam và Singapore, để mất ngôi vô địch SEA Games về tay Malaysia. Nguyên nhân là do giải Thai-League èo uột, vắng khán giả.
Thế là bóng đá Thái Lan học tập chất xám từ nước ngoài, quay trở lại cải tổ triệt để Thai-League, kiện toàn hệ thống thi đấu giải quốc nội, phát triển theo mô hình kim tự tháp (tức là càng lên hạng cao thì số đội tham dự càng giảm, theo đúng trình tự sàng lọc).
Trong vòng gần chục năm kể từ thất bại ở AFF Cup 2008, Thai-League thay đổi, chất lượng của bóng đá Thái Lan cũng thay đổi mạnh mẽ. Không chỉ đòi lại vị trí số 1 Đông Nam Á từ tay Singapore và Malaysia, đội tuyển Thái Lan hiện giờ cũng đã tiệm cận trình độ châu Á, các CLB hàng đầu Thái Lan đã đủ sức cạnh tranh ở AFC Champions League.
Thế hệ cầu thủ nòng cốt của đội tuyển Thái Lan hiện nay gồm Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda, Sirod Chatthong, Kawin… đều phát triển tài năng từ một giải Thai-League có chất lượng và có tính cạnh tranh cao như thế, trước khi họ đem tài năng đấy cống hiến cho đội tuyển quốc gia.
Indonesia cũng từng khủng hoảng trầm trọng, với nhiều bê bối ở giải vô địch quốc nội, khi giải đấu này bị thao túng quá mạnh bởi một vài tỷ phú, khiến cho chất lượng của bóng đá xứ vạn đảo bị đặt trong tình trạng báo động.
Chính phủ Indonesia và cơ quan quản lý nhà nước của Indonesia vào cuộc, chấp nhận lệnh “cấm vận” có thời hạn của FIFA dành cho bóng đá xứ vạn đảo, để thay đổi giải quốc nội vốn đang bị thao túng bởi một vài ông bầu nhiều tiền dạng đấy, cải tổ Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) theo hướng trong sạch hơn, minh bạch hơn.
Kết quả là sau chưa tới 2 năm chịu lệnh cấm tham gia các hoạt động quốc tế từ FIFA, Indonesia trở lại với sân chơi khu vực mạnh mẽ hơn, giàu sức sống hơn. Riêng giải quốc nội của xứ vạn đảo cũng giàu tính cạnh tranh hơn.
Malaysia chưa đến mức bị FIFA “cấm vận”, nhưng không lâu trước đây Bộ Thanh Niên và Thể Thao Malaysia cũng từng tuyên bố họ sẵn sàng chịu lệnh cấm đấy, để can thiệp vào khâu điều hành thiếu thiếu hiệu quả, thiếu minh bạch của Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM), để cải thiện chất lượng giải quốc nội vốn bị than phiền ở thời điểm đấy.
Kết quả là chủ tịch cũ của Liên đoàn bóng đá Malaysia, hoàng thân Tengku Ahmah Shah (vốn là phó chủ tịch thường trực Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á, có cha cũng là chủ tịch AFF – tổ chức vừa trao giải thưởng liên đoàn tốt nhất khu vực năm 2016 cho VFF) buộc phải rút lui vì điều hành bóng đá Malaysia quá yếu kém, thành tích kém, tình trạng hooligan ngày một mất kiểm soát.
Vị chủ tịch cũ của bóng đá Malaysia hiện nay cũng từ chức luôn cương vị phó chủ tịch AFF, không tham gia các hoạt động bóng nữa, buộc phải giao quyền điều hành bóng đá Malaysia cho người khác năng động hơn hơn, có định hướng tốt hơn để phát triển giải quốc nội của Malaysia và định hướng tốt hơn cho các đội tuyển của nước này!