Những mảng "sáng và tối"của bóng đá việt

Những mảng "sáng và tối"của bóng đá việt

29-09-2017 10:00
Bóng đá ở ta vốn được coi là “con cưng” của xã hội nên nhận được nhiều quan tâm đặc biệt. Hôm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và đại diện một số bộ ngành liên quan về thực trạng bóng đá Việt Nam, cũng như tình hình tổ chức và hoạt động của VFF. Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ VH-TT&DL chuẩn bị đề án củng cố VFF, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2017.

Mặc dù VFF chỉ là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhưng có thể nói việc củng cố VFF là thông điệp mà lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm trước thềm Đại hội VIII. Ai sẽ thay thế những vị trí chủ chốt trong VFF? Chức danh Chủ tịch VFF khóa mới là doanh nhân hay “người Nhà nước”?.

Thay rồi thì cách làm có mới hay chỉ là “bình mới rượu cũ”?. Những câu hỏi chưa có lời giải, thậm chí ngay Bộ VH-TT&DL là cấp trên của VFF cũng còn phải cân nhắc. Tuy thế nhưng dư luận gần đây cũng đã nêu ra vài “gương mặt”.

Dân chủ mà. Ai cũng có quyền nêu ra nhân vật yêu thích mà mình tin tưởng. Ví như ông Nguyễn Hồng Thanh ở SLNA “đề cử” ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Tập đoàn T&T cho chức danh Chủ tịch VFF.

Thất bại của thầy trò Hữu Thắng tại SEA Games 29 thực sự đặt ra yêu cầu chấn chỉnh bóng đá Việt Nam và VFF.

“Ông ấy là người có tâm huyết với bóng đá vì mỗi năm bỏ hơn 300 tỷ đồng để tài trợ cho các đội bóng. Mà ông ấy làm như vậy trong khoảng 10 năm rồi”. Người viết rất tôn trọng ý kiến riêng của ông Nguyễn Hồng Thanh nhưng cứ vẩn vơ với suy nghĩ, nếu bầu Hiển “có tâm với bóng đá” thì không nên tài trợ cho nhiều đội bóng ở V-League gây bức xúc trong giới chuyên môn.

Các cụ nói “Gà cùng một mẹ…” mà “đá nhau hoài” sao được. Liệu có chuyện nhường nhịn, nương chân nhau trong “nhóm lợi ích” không? Doanh nhân như bầu Đức khi nắm một chức vị trong tay lại có thể khuynh loát cả Liên đoàn khi chê bai người này, tôn vinh người kia ư?

V-League hiện góp mặt phần lớn là những đội bóng do các doanh nhân đầu tư. Và nói cho nó nhanh thì địa hạt bóng đá là nơi để quảng bá tốt nhất cho một doanh nghiệp. Đơn cử, sau khi bầu Đức đưa ngôi sao Thái Kiatisuk (và một số danh thủ bóng đá Việt lúc đó) về HAGL và đoạt ngôi vô địch thì hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực gỗ và đá hoa cương của HAGL cũng tăng với tốc độ phi mã.

Có ai biết T&T kinh doanh cái gì và bầu Hiển là ai nếu không tài trợ và gắn tên với CLB bóng đá Hà Nội. Khi bầu Hiển kinh doanh mảng ngân hàng thì có thêm SHB gắn với CLB Đà Nẵng. Bầu Thắng với thương hiệu Gạch Đồng Tâm và bây giờ là Đồng Tâm Group cũng lừng lẫy một thời với đội bóng Long An vùng Tây Nam bộ.

Gần đây là các thương hiệu như FLC, Tôn Hoa Sen, Kiên Long Bank cũng theo bước những “đàn anh” để quảng bá thương hiệu trong lĩnh vực bóng đá. Có người đã nói vui: V-League là “cuộc chiến” của các ông bầu chả đúng hay sao?

Phần nổi của bóng đá Việt, theo người viết vẫn là chất lượng giải V-League, và trên nó là thành tích của ĐTQG. Có lẽ VFF cần củng cố chất lượng đội ngũ trọng tài, giải quyết tận gốc nạn bạo lực sân cỏ ở V- League và cần phải có những quy định, chế tài nghiêm khắc hơn.

Song song, tuyển chọn một HLV có đủ trình độ để nắm ĐTQG. Bởi nói đến một nền bóng đá thì mấy ai biết tên ông chủ tịch là ai. Trừ những “tấm gương mờ” như Blatter, Chủ tịch FIFA hay Platini, Chủ tịch UEFA dính vào tham nhũng và nhận án kỷ luật. Nói “chìm và nổi” là như vậy.

Phạm Thể
Tin tức mới nhất