Có những thứ thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng rốt cục lại là phát kiến của cả một thời đại. Tiêu biểu như cái... cần gạt nước xe ô tô.
Năm 1903, Mary Anderson ngồi trên ô tô đi trong thành phố New York, nhận ra sự bất tiện khi tài xế cứ thỉnh thoảng phải dừng xe lấy khăn lau hơi nước và tuyết phủ trên mặt kính. Thậm chí một số tài xế trên đường vì lười làm việc này nên đã thò đầu ra cửa sổ để lái. Suy nghĩ mãi về điều này, Anderson về nhà và thiết kế hệ thống gạt nước đầu tiên. Và khi thấy phát minh này của bà, nhiều người đã cười nhạo. Năm 1905, sự nhạo báng ấy kết thúc khi Mary Anderson nhận bằng sáng chế tại Mỹ. Năm 1916, cần gạt nước trở thành thiết bị tiêu chuẩn trên mọi chiếc ô tô được sản xuất tại Mỹ. Và bây giờ, người ta không bao giờ có thể tưởng tượng được một chiếc ô tô mà không có thiết bị này.
Tại sao lại kể một câu chuyện chẳng liên quan gì đến bóng đá này?
Vì năm 2001 tờ El Pais từng gọi Xavi là "một chiếc gần gạt nước". Thoạt đầu, đấy là một cách ví von theo kiểu chê bai, vì Xavi chuyền ngang hơi nhiều và lối chơi có phần đơn điệu. Nhưng sau đó, người ta khơi lại biệt danh này để ca ngợi hiệu quả tuyệt vời trong cách chơi bóng của Xavi. Nếu đôi chân của Xavi là chiếc cần gạt nước ô tô, Luis Aragones chính là người cấp bằng sáng chế và Pep Guardiola là người ký giấy để nó được đưa vào sản xuất đại trà.
Ngày nay, chúng ta nghe mòn tai câu "Đời thay đổi khi ta thay đổi". Thế nhưng khi Xavi tuyên bố giải nghệ vào cuối mùa này, người ta nhận ra Xavi chưa từng thay đổi bất kỳ điều gì trong đời mình. Lối chơi của anh từ khi vào đội trẻ cho đến khi rời Barcelona trên tư cách cầu thủ đá nhiều trận nhất và giành nhiều danh hiệu nhất không có gì thay đổi. Và nó được mô tả bởi đúng một câu: chuyền bóng, di chuyển, chuyền bóng và... lặp lại đến mãi mãi.
Nhìn Xavi chơi bóng, người ta dễ có cảm giác anh... ghét quả bóng. Bởi vì bóng đến chân anh thì lập tức bị đẩy đi chỗ khác. Xavi gần như không bao giờ dốc bóng thoát truy cản, trừ phi anh không còn bất kỳ phương án nào khác. Xavi là tiêu biểu của những gì... phản thể thao nhất. Anh cao chưa đến 1,70 mét, chạy chậm nhất đội, sút xa nhẹ hều, tranh chấp tay đôi dở ẹc. Nhưng một cầu thủ với đầy đủ những nhược điểm ấy lại trở thành một huyền thoại ở Barca. Khi Xavi rời sân Nou Camp, đó là do anh chủ động làm việc ấy, chứ không phải CLB muốn thải loại anh. Và ngày Xavi rời đi, người ta đã gọi đó là dấu chấm hết cho một kỷ nguyên, ở cả Barcelona lẫn đội tuyển Tây Ban Nha.
Thật khó tin là đã có lúc, những "chiếc cần gạt nước" kiểu như Xavi lại là điều bị cấm tại Barcelona.
Trong thập niên 1970, trụ sở Barcelona vẫn còn treo một tấm bảng với nội dung: "Hãy quay về nếu các anh định đề nghị chúng tôi ký với một cầu thủ thấp hơn 1,80 mét". Thật vậy, ngay tại Barcelona vào những năm ấy, người ta cũng không thoát khỏi cái tư duy phổ thông: sức mạnh hình thể đóng vai trò quyết định.
Năm 1986, cậu bé 15 tuổi Pep Guardiola về nhà gọi ba mẹ mở tiệc khi các bác sĩ của CLB thông báo cậu sẽ cao 1,80 mét trong vài năm nữa. Hai năm trước đó, làn gió đổi thay đã thổi qua Barca với sự xuất hiện của Johan Cruyff, cùng thứ triết lý tổng lực sẽ làm thay đổi lịch sử CLB mãi mãi. Đề nghị được mở một hệ thống đào tạo riêng của Cruyff được Chủ tịch Josep Lluis Nunez chấp nhận. Từ cái nhà kho cũ của CLB, người ta đã tái tạo và đặt tên cho nó là La Masia. Để rồi từ lò đào tạo ấy cầu thủ vĩ đại bậc nhất lịch sử bóng đá Tây Ban Nha ra đời: Xavi!
Từ Cruyff đến Pep, từ Pep đến Xavi, họ đã làm nên mạch máu của Barca. Năm 18 tuổi, Xavi được Louis van Gaal đôn lên đội một. Khi rời đi vào năm 2015, anh có 25 danh hiệu trong bộ sưu tập: 8 La Liga, 3 Cúp Nhà vua, 6 Siêu Cúp Tây Ban Nha, 2 Siêu Cúp châu Âu, 2 World Cup các CLB và 4 Champions League. Lịch sử Barca có 5 chiếc Cúp Champions League, riêng Xavi đã có 4. Ở đội tuyển Tây Ban Nha, Xavi giành 2 World Cup, kẹp giữa là chức vô địch Euro.
Xavi giành nhiều Cúp đến nổi người ta chế ra một bức ảnh. Trong đó, Xavi mang Cúp về nhà, vợ anh đã phải gầm lên: "Sao anh cứ mang những thứ này về cho chật nhà thế". Điều tuyệt vời là sau khi Xavi tuyên bố giải nghệ, người ta không chỉ dừng lại ở việc "mang Cúp ra đếm", mà hồi tưởng lại anh đã giành những danh hiệu ấy như thế nào. Trong ngôn ngữ quảng cáo, Xavi không chỉ giành Cúp, anh còn làm việc ấy với "concept" rõ ràng.
Và "concept" của anh chỉ gói trong một kỹ năng: chuyền bóng.
"Tôi chuyền bóng, tôi giúp đồng đội, tôi tìm đồng đội, tôi dừng lại, tôi suy nghĩ, tôi quan sát và trên hết, tôi mở ra khoảng trống", Xavi chia sẻ. Chỉ một đường chuyền mà gói ghém cả một triết lý. Nhìn đơn giản, nhưng nó là đỉnh cao của sự phức tạp, được giản lược trong một câu nói. Xavi chuyền bóng, cũng không khác gì thể thơ Haiku của người Nhật Bản: chữ ít, ý nhiều và chứa đựng cả càn khôn.
Xavi không chuyền bằng chân, mà chuyền bằng... đầu. Vì nhìn thấy cái tư duy đi trước thời đại ấy mà Guardiola đã chủ động xin chuyển nhượng. Ông đá bóng thêm vài năm rồi bước vào hành trình tầm sư học đạo. Để rồi khi trở lại Barca làm HLV, ông đã biến cái tư duy vượt thời đại của Xavi thành một thứ chuẩn mực.
Cần phải nói rõ: Xavi chỉ thật sự bước lên vũ đài vào năm 2008. Trước đó anh chơi bóng vẫn ổn, nhưng chưa bao giờ là phương án không thể thay thế của các HLV. Cố HLV Luis Aragones là người đầu tiên xoay đội bóng trên Xavi. Và quyết định ấy thay đổi lịch sử bóng đá Tây Ban Nha mãi mãi. Pep đi theo con đường Aragones đã vạch ra, và tiếp tục thay đổi lịch sử Barca. Nói cách khác, trước năm 2008 thì Xavi là "E=Mc2", sau 2008 anh là bom nguyên tử.
Cả thế giới thán phục thứ bóng đá tiki-taka của người Tây Ban Nha. Người người học theo, nhà nhà bắt chước. Tây Ban Nha không có Lionel Messi vẫn lên đỉnh thế giới. Argentina có Messi và hàng loạt anh tài khác thì trắng tay chỉ hoàn tay trắng. Bởi Argentina không có bộ não của Xavi. Từ năm 28 đến 32 tuổi, Xavi chơi 260 trận cho CLB và đội tuyển với sự ổn định khó tin. Trận nào anh cũng chuyền bình quân hơn 100 lần, tỷ lệ chính xác luôn cao hơn 91%. Các đồng đội gọi anh là "Maki", viết tắt từ Maquina (trong tiếng Tây Ban Nha là cỗ máy).
Xavi chuyền bóng như một cỗ máy thật sự. Anh làm việc này đều đặn, bền bỉ như chiếc cần gạt nước ô tô. Gạt trái rồi gạt phải, bền bỉ, tận tâm, không một phút giây nào ngừng nghỉ. Anh làm việc ấy ngay cả khi đang chơi... Play Station. "Tôi chơi điện tử và luôn tự hỏi khoảng trống ở chỗ nào. Chết tiệt, chỗ này đông quá, tôi phải tìm một chỗ khác. Trong điện tử, cầu thủ di chuyển không giống ý của tôi mấy", Xavi trả lời tờ World Soccer năm 2011.
Dani Alves từng nói Xavi là cầu thủ duy nhất có thể buộc 21 cầu thủ còn lại trên sân di chuyển theo ý mình. Khi Xavi chuyền quả bóng đi, anh đã biết mình sẽ phải làm gì khi quả bóng được trả ngược về. Không có một chút cảm xúc nào trong cách thi đấu của Xavi. Đấy là chuyện của Ronaldinho và Leo Messi. Việc của Xavi là giữ một thế trận có lợi cho đội nhà.
Xavi chuyền bóng để phòng ngự, chuyền để cầm nhịp, chuyền để tấn công và chuyền vào lịch sử. Juanma Lillo, một trong những người thầy lớn của Guardiola, gọi Xavi là "Gary Kasparov của bóng đá". Xavi như một đầu bếp ba sao Michelin, và anh vươn lên chỉ nhờ độc nhất món sandwich. Không cầu kỳ, kiểu cách. Nét đẹp đến từ những thứ đơn giản nhất.
"Tôi là một cầu thủ đồng đội", Xavi nói trong cuốn sách của Graham Hunter. "Về mặt cá nhân, tôi không là ai cả. Nhưng tôi chơi với những người giỏi nhất và điều đó giúp tôi giỏi hơn. Tôi là người sống phụ thuộc vào đồng đội".
Quá khiêm tốn. Nhưng hãy nghe người khác nói về Xavi. Thiago Alcantara (Bayern Munich) cho rằng: "Xavi là bất tử. Anh ấy là bóng đá. Anh ấy là cầu thủ góp phần viết lại lịch sử Barcelona". Julen Lopetegui (HLV trưởng tuyển Tây Ban Nha) thì nhấn mạnh: "Xavi giết chết cái suy nghĩ cầu thủ thì cần phải cao to, đầy sức mạnh. Rất ít cầu thủ làm chúng ta thay đổi tư duy về bóng đá. Xavi là một người như thế". Sergio Ramos (Real Madrid) từng nhận xét: "Xavi đưa bóng đá trở về trạng thái nguyên thủy nhất". Còn Joachim Loew (HLV tuyển Đức) quả quyết: "Rồi thế giới sẽ sản sinh ra Messi thứ hai, nhưng không bao giờ có một Xavi thứ hai".
Bóng đá là cuộc đời Xavi. Khi anh không chơi bóng, anh xem đá bóng
Khi nhà báo nổi tiếng người Anh Sid Lowe đến nhà Xavi, họ nói chuyện với nhau về Portsmouth và Real Oviedo - những CLB bé nhỏ ở châu Âu. Anh xem từ bóng đá Italy đến bóng đá Scotland. Anh thích nhất là Matthew Le Tissier, điều này khiến cựu danh thủ người Anh tự hào không biết để đâu cho hết, và nói đùa một ngày nào đó phải đi in áo với hàng chữ "Thần tượng của Xavi" trên đó. Xavi mê không khí bóng đá Anh, anh nói nếu CĐV Barca được cuồng nhiệt như CĐV Liverpool thì đội bóng cũ của anh phải có 20 chức vô địch Champions League.
Johan Cruyff từng nói rằng bóng đá là một trò chơi đơn giản nhưng chơi bóng đơn giản là thứ khó nhất trên đời. Vì vậy, sẽ rất lâu nữa thế giới mới tìm thấy một người chơi bóng như Xavi. "Sự nghiệp của tôi là hành trình đi tìm khoảng trống và chuyền bóng cho người đồng đội thuận lợi nhất", anh nói.
Cả đời Xavi đã đi tìm khoảng trống để đưa quả bóng đến đó và lấp đầy nó. Vậy ai có thể lấp lại khoảng trống trong lòng anh đây, khi không còn chơi bóng nữa? Ngày Xavi giải nghệ, các cule như nhìn thấy cả một lịch sử oai hùng trôi qua trước mắt.