Lý do VPF không chấp nhận ông Trần Anh Tú thôi việc

Lý do VPF không chấp nhận ông Trần Anh Tú thôi việc

12-04-2018 11:00
Dù bầu Đức liên tục phản đối ông Trần Anh Tú ngồi nhiều ghế tại VPF, nhưng Hội đồng quản trị (HĐQT) VPF vẫn không cho ông Trần Anh Tú rút khỏi vị trí Tổng giám đốc. Theo lý giải của VPF, từ lúc ông Trần Anh Tú làm CEO công ty này, VPF đang “tăng thu, giảm chi”.

Phó chủ tịch HĐQT VPF Trần Mạnh Hùng (cũng là chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng) lý giải: “Ông Trần Anh Tú có vi phạm gì đâu mà phải từ chức. Anh Tú kiêm nhiệm Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT là việc được luật cho phép. Công ty VPF không phải của ông Tú, mà của tập thể. Ông Tú giữ bao nhiêu chức chúng tôi không cần biết, mà chỉ muốn biết anh Tú làm được gì cho VPF”.

“Ông Tú đang làm tốt, tập thể đang làm tốt, phương thức quản lý đã thay đổi để tăng thu, giảm chi. Quan niệm của một số ông bầu là quan điểm cá nhân, nhưng chúng tôi là tổ chức, không thể vì tác động của các cá nhân đó. Ông Tú không vi phạm điều lệ, thì tại sao lại rút” – phó chủ tịch HĐQT VPF Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo lý giải của VPF, trong vai trò 1 CEO, ông Trần Anh Tú (phải) mang về nhiều bản hợp đồng tài trợ có giá trị cho các giải chuyên nghiệp trong nước

Theo kết quả của cuộc họp HĐQT VPF sáng 10/4, tại Hà Nội, 7/8 thành viên HĐQT dự họp thì có 6/7 phiếu bầu cho ông Trần Anh Tú tiếp tục đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc (TGĐ) VPF. Phiếu duy nhất không đồng ý việc ông Tú giữ ghế TGĐ là phiếu của… chính ông Trần Anh Tú.

8 thành viên của HĐQT VPF hiện gồm ông Trần Anh Tú (uỷ iên thường trực VFF - chủ tịch HĐQT), Trần Mạnh Hùng (chủ tịch CLB Hải Phòng – Phó chủ tịch HĐQT), Phạm Thanh Hùng (chủ tịch CLB Than Quảng Ninh), Lê Nguyên Hồng (chủ tịch CLB Quảng Nam), ông Nguyễn Hồng Thanh (chủ tịch CLB SL Nghệ An), ông Trần Lâm Vũ (CLB bóng đá Đồng Tháp), ông Lê Hoài Anh (Tổng thư ký VFF) và bà Tru Trang (kế toán trưởng VFF).

Trong đó, 3 người gồm ông Trần Anh Tú, ông Lê Hoài Anh và bà Thu Trang là đại diện vốn của VFF tại VPF (VFF nắm 35,4% cổ phần tại VPF), 5 người còn lại là ông bầu hoặc là CEO của các CLB, đại diện cho các CLB trong nước.

Người duy nhất vắng mặt ở cuộc họp HĐQT VPF sáng 10/4 là ông Nguyễn Hồng Thanh. Ông Thanh có uỷ quyền cho ông Trần Mạnh Hùng bỏ phiếu thay mình.

Còn về các khoản mà VPF “tăng thu giảm chi” theo như phát biểu của Phó chủ tịch HĐQT Trần Mạnh Hùng, trong khoảng thời gian ông Trần Anh Tú làm CEO tại VPF, một số thành viên trong HĐQT VPF thông tin với chúng tôi, VPF hiện tại đã ký được hợp đồng tài trợ cho cả 3 giải đấu trong hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, do VPF quản lý là V-League, cúp quốc gia và giải hạng Nhất quốc gia. Các gói hợp đồng tài trợ này đều có giá trị cao.

Hợp đồng bản quyền truyền hình cũng được thương lượng lại với phía đối tác, giúp VPF có nhiều điều khoản có lợi hơn.

Đó là phần “tăng thu”, còn về phần “giảm chi”, theo tính toán sơ bộ của HĐQT VPF, công ty này hiện tiết kiệm khoảng 1,5 tỷ đồng/mùa giải so với các năm trước, sau khi hợp nhất BTC giải và Ban chỉ đạo thành một ban thống nhất (gọi là Ban điều hành, thay vì 2 ban chồng lên nhau như trước đây), qua đó tinh giản nhân sự, giảm chi phí trả lương cho bộ máy có phần cồng kềnh theo kiểu cũ.

Ngoài ra, giải V-League cũng đang vận hành tốt, những vòng đấu đầu tiên có lượng khán giả tăng đột biến so với các mùa giải trước. Đấy là lý do khiến HĐQT VPF cho biết họ chưa có ý định thay đổi nhân sự trong khâu điều hành.

Nguyễn Hoàng
Tin tức mới nhất