V-League 2018: Vẫn là bài toán kiếm tiền

V-League 2018: Vẫn là bài toán kiếm tiền

01-01-2018 19:00
Theo bản báo cáo tài chính mới được công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) công bố, chi phí mà VPF chi cho 3 mùa giải 2015, 2016 và 2017 lên tới gần 400 tỷ đồng. VPF giờ đang phải chạy đua với thời gian để có được các gói tài trợ cho mùa giải mới sau khi Toyota rút lui.

VPF chi 137,5 tỷ đồng cho “Chi phí trao đổi sóng truyền hình”. Tổng số tiền phụ cấp và chi phí đi lại, lưu chú của thành viên BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V-League, hạng Nhất quốc gia và Cúp Quốc gia mùa giải 2017, Ban Kỷ luật, Ban Trọng tài, giám sát và trọng tài) là 54 tỷ đồng.

Như vậy có thể nhẩm tính dễ dàng chế độ cho một ê kíp bao gồm giám sát và các trọng tài là 38 triệu đồng/trận đấu V-League (8 triệu cho trọng tài chính và 6 triệu cho các trợ lý trọng tài và giám sát). Tiền di chuyển và lưu trú khoảng 24 triệu đồng, suy ra, VPF phải chi tầm 60 triệu /trận x 182 trận (V-League) = 10,92 tỷ.

V-League 2018 gặp nhiều khó khăn để tìm tài trợ mới

Tính tổng 3 mùa giải từ 2015 đến 2017, VPF đã phải chi gần 400 tỷ đồng cho các hoạt động. Nhìn vào những con số thực tế từ bản báo cáo tài chính nhiệm kỳ 2 của VPF trong vòng 4 năm từ 2014 tới 2017 dễ dàng nhận ra việc VPF đã bỏ ra chi phí nhiều hơn con số thu về.

Doanh thu đặt ra của VPF trong thời gian từ 2014 tới 2017 là 429 tỷ đồng và chi phí là 421 tỷ đồng. Tuy vậy, khi nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 3-12-2017 thì con số thu về nhỏ hơn doanh thu đề ra khá nhiều. Sau 4 năm VPF chỉ thu được 395,8 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch đề ra nhưng chi phí lại là 397 tỷ đồng, cao hơn con số thu về.

Về những con số trong báo cáo tài chính nhiệm kỳ 2, Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú cho rằng, những con số đó là hoàn toàn hợp lý chứ không có chuyện VPF nhiệm kỳ trước “tiêu hoang”.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Viễn, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF nhiệm kỳ 2014-2017, nói: “VPF hàng năm đều có kiểm toán độc lập, các khoản chi trả rất rõ ràng, có hóa đơn chứng từ đầy đủ. Không có chuyện tiền chi không đúng mục đích để các nhà tài trợ phải hiểu nhầm”.

Không nói đến khoản chi, chỉ ở mức thu thôi, 3 năm của VPF còn thua xa đội bóng Thái. Cụ thể, CLB Buriram United đã đạt doanh thu 600 triệu baht (tương đương 417 tỷ đồng) trong năm 2017.

Nhìn mức thu nhập của Buriram United trong 1 năm so với những con số báo cáo tài chính nhiệm kỳ 2 giai đoạn 2014-2017, mới thấy bóng đá Việt Nam còn “hít khói” Thái Lan dài dài về khoản kiếm tiền.

BTC Thai League cũng có được hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá 4,2 tỷ baht (tương đương 2730 tỷ đồng) từ TRUE có thời hạn từ năm 2017 – 2020. Điều này giúp doanh thu của các CLB tại giải đấu số 1 Thái Lan tăng lên 2,5 lần từ bản quyền truyền hình so với trước đây.

Nhìn nước láng giềng để thấy V-League là cỗ máy đốt tiền số 1, nhưng lại không có một chiến lược kiếm tiền thực sự chuyên nghiệp. Ở nhiệm kỳ mới (2017-2020), ông Trần Anh Tú đã thay ông Võ Quốc Thắng đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT VPF. Nhiệm vụ đầu tiên và cũng là thách thức lớn nhất của Tân chủ tịch VPF là kiếm tiền tài trợ để V-League 2018 khởi tranh đúng kế hoạch, sau khi Toyota rút lui sau 3 năm gắn bó.

Nguyễn Hoàng
Tin tức mới nhất